Vinamilk (VNM): Biên lãi gộp liên tục cải thiện, lọt Top 5 thương hiệu sữa bền vững toàn cầu
Giá mục tiêu gần nhất của cổ phiếu Vinamilk (VNM) là vùng 74.5 - 75.0 đồng.
Tại báo cáo cập nhật mới nhất ngày 31/10, Công ty Chứng khoán TCBS đã khuyến nghị chờ mua đối với cổ phiếu VNM  của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk với một số luận điểm đáng chú ý.
Giá mục tiêu gần nhất của cổ phiếu VNM tại vùng 74.5 - 75.0 |
9 tháng năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sua thuế cổ đông công ty mẹ Vinamilk lần lượt đạt 44.750 tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ - tương đương 71% kế hoạch năm) và 6.548 tỷ đồng (giảm 1,5% YoY, hoàn thành 77% kế hoạch).
Điểm sáng của ông lớn ngành sữa đến từ việc biên lãi gộp đang có sự thay đổi tích cực qua từng quý trong đó quý 3 đạt 41,9% so với mức 38,8% đầu năm.
Xét theo quý, lãi ròng của VNM đã ghi nhận mức tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp.
Vinamilk thông tin, các hoạt động marketing đã mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho nhiều nhãn hàng trong đó doanh thu 9 tháng của sữa đặc Ông Thọ  và sữa bột người lớn Sure Prevent ghi nhận tăng trưởng lũy kế gần hai chữ số, doanh số quý 3 của sữa Super Nut 9 loại hạt và sữa tươi Green Farm tăng lần lượt gần 3 lần và 2 lần so với cùng kỳ 2022.
Các thị trường nước ngoài đóng góp doanh thu thuần 2.384 tỷ đồng trong quý 3 và 7.218 tỷ đồng lũy kế 9 tháng. Mảng xuất khẩu tăng 5% nhờ sự phục hồi tích cực từ một số thị trường có tình hình chính trị ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm, cùng với sự ổn định tại thị trường Trung Đông và Đông Nam Á.
Ngoài ra, chi nhánh nước ngoài AngkorMilk tại Campuchia tiếp tục tăng trưởng gần 10% và chi nhánh Driftwood tại Hoa Kỳ duy trì ở mức nền cao của cùng kỳ.
Số liệu theo tháng cho thấy thị phần nội địa của Vinamilk tại thời điểm cuối tháng 9 đã khôi phục gần 2% so với cuối tháng 1/2023.
Khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên bản đồ về phát triển bền vững ngành sữa
Tháng 8/2023, Vinamilk cùng Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện dự án khoanh nuôi tái sinh 25 ha rừng ngập mặn tại điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc. Với lượng hấp thụ dự kiến lên đến 62.000 đến 73.000 tấn CO2e, đây là một hoạt động của nhân viên Vinamilk nằm trong dự án lớn mang tên "CÁNH RỪNG NET ZERO VINAMILK" với nỗ lực hình thành những mảng xanh giúp hấp thụ khí carbon, tiến gần đến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero kéo dài trong 5 năm (2023 – 2027) và công bố 2 đơn vị (Nhà máy và Trang trại) đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014 vào Quý II/2023.
Những nỗ lực về phát triển bền vững của Vinamilk đã được các tổ chức chuyên môn ghi nhận. Theo Brand Finance, Vinamilk dẫn đầu Top 10 thương hiệu có tính bền vững cao nhất Việt Nam và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt Top 5 Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu, vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành sữa thế giới.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, quy mô tài sản của Vinamilk đạt 54.967 tỷ đồng trong đó lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn ghi nhận gần 26.600 tỷ đồng. 3 quý đầu năm, khoản này đem về cho Vinamilk 1.148 tỷ lãi tiền gửi - tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận công ty. |
Xem thêm:
CEO Vinamilk Mai Kiều Liên: Hành trình tiên phong cho một tương lai xanh, bền vững
Doanh nghiệp sở hữu danh mục đầu tư 8 tỷ USD, nhận về 9.100 tỷ đồng cổ tức năm 2024 
Nhà máy chế biến thịt bò 500 triệu USD của Vinamilk (VNM) chính thức đi vào vận hành