Mặc dù lợi nhuận quý 4 giảm mạnh song nhờ doanh thu tăng đột biến trong năm 2022, "vua cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn ghi nhận khoản lãi ròng ở mức kỷ lục.
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã VHC - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu đạt gần 2.500 tỷ đồng - giảm 200 tỷ so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ giá vốn bán hàng tăng mạnh so với cùng kỳ khiến biên lợi nhuận giảm từ 23,8% về còn 19% - tương ứng lợi nhuận gộp giảm 26% YoY về còn 474 tỷ.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng gần gấp đôi lên mức 118 tỷ đồng. Đồng pha, chi phí tài chính thậm chí tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ lên mức 136,6 tỷ.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 40 tỷ và 27 tỷ đồng so với quý 4/2021 lên mức 133,2 tỷ và 88,1 tỷ đồng.
Sau trừ các khoản thuế phí, "vua cá tra" Vĩnh Hoàn báo lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 56,4% YoY về còn 199,5 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Tính chung cả năm 2022, VHC đạt tổng doanh thu 13.472 tỷ đồng - tăng 4.410 tỷ so với năm 2021 và là mức cao nhất sau 16 năm niêm yết (kể từ 2007). Đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Vĩnh Hoàn đến từ bán hàng thành phẩm - đạt 10.083 tỷ đồng - tăng 60,6% YoY và chiếm 75% tổng doanh thu; thu từ bán phụ phẩm đạt 2.166 tỷ (chiếm tỷ trọng 16%); thu từ bán hàng hóa, bán nguyên vật liệu và cung cấp dịch vụ lần lượt đạt 954 tỷ (giảm nhẹ YoY), 206 tỷ và 63 tỷ đồng.
Sau trừ các khoản thuế phí, VHC báo lợi nhuận sau thuế tăng tới 82% YoY lên mức 2.014 tỷ đồng - đây cũng mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty và là năm đầu tiên lãi ròng chạm mức 2.000 tỷ.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của "vua cá tra" ghi nhận mức 11.580 tỷ đồng - tăng 32,5% so với thời điểm đầu năm trong đó hàng tồn kho tăng 65% so với đầu năm lên mức 3.113 tỷ đồng trong đó bao gồm 1.468 tỷ đồng tồn kho thành phẩm; công ty hiện đang trích lập dự phòng giảm giá 400 tỷ đồng (gấp 4,6 lần đầu năm).
Thuyết minh chi tiết hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn đến cuối quý 4/2022 |
Lượng tiền mặt và tương đương tăng lên mức 554 tỷ đồng. Cùng với đó, Vĩnh Hoàn vẫn có khoản tiền gửi ngắn hạn 1.664 tỷ đồng tại ngân hàng như cuối quý trước; khoản tiền gửi này đã đem về cho công ty 81,6 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua.
Trong danh mục đầu tư ngắn hạn, đến cuối năm 2022, VHC cũng đang ghi nhận khoản tiền gốc đầu tư chứng khoán ở mức 179 tỷ đồng - tăng 100 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty đang phải trích lập dự phòng giảm giá tới 76,6 tỷ đồng giảm giá.
Hiện Vĩnh Hoàn đang đầu tư tập trung tại cổ phiếu NLG (giá gốc 76,3 tỷ - dự phòng 26 tỷ), mã DXS (giá gốc 58,2 tỷ - dự phòng gần 37 tỷ) và KBC (giá gốc 30 tỷ - dự phòng 7,7 tỷ).
Mặc dù dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cũng như lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và lãi vay đều làm cho chi phí tài chính của VHC tăng vọt so với năm trước nhưng hoạt động tài chính của VHC vẫn có lãi thuần 63 tỷ đồng nhờ có tới 363 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ của Vĩnh Hoàn ở mức 3.884 tỷ đồng - tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm trong đó vay nợ tài chính tăng lên mức 2.388 tỷ. Theo đó, chi phí lãi vay của công ty chi trong năm 2022 cũng tăng gần gấp 3 lần năm 2021 lên mức 97,4 tỷ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHC kết phiên 8/2/2023 giảm 2,4% về mức 65.400 đồng; khớp lệnh đạt gần 660.000 đơn vị.
UBCKNN phạt nặng một doanh nghiệp niêm yết vì ‘làm đẹp’ báo cáo tài chính 
Hãng cà phê quốc dân Highlands Coffee giúp ông chủ gà rán Jollibee 'bỏ túi' 752 tỷ đồng