VIS Rating: Có đến 12.200 tỷ đồng trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ đầu năm
Riêng trong tháng 7, có 5 trái phiếu công bố chậm trả lần đầu với tổng giá trị giảm còn 1.240 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật từ Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), tổng giá trị trái phiếu chậm trả lần đầu trong tháng 7/2024 đạt 1.240 tỷ đồng, giảm so với mức 2.200 tỷ đồng của tháng 6/2024.
Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 7, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 12.200 tỷ đồng. Tỷ lệ chậm trả toàn thị trường tính đến cuối tháng 7 là 15,1%, giảm nhẹ so với mức 15,6% vào tháng 6.
Danh sách trái phiếu chậm trả lần đầu trong tháng 7, nguồn: VIS Rating |
Tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp và bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng ngày 16/8, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (UBCKNN), nhận định:
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tình hình tài chính không ổn định và thiếu minh bạch về thông tin tài chính, dẫn đến nguy cơ không trả nợ đúng hạn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư”.
Ông Hòa chia sẻ thêm, những vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ, chậm trả lãi đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Gần đây, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, dẫn đến tình trạng chậm trả gốc và lãi trái phiếu vẫn tiếp diễn.
Tính đến cuối năm 2023, có hơn 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị lên tới 83.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hòa cũng chỉ ra rằng cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng, với 99% số lượng tài khoản nhà đầu tư là cá nhân và chỉ 0,27% là nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, tỷ trọng mua của các nhà đầu tư tổ chức vẫn chiếm ưu thế, trong đó các tổ chức tín dụng chiếm 56,5%.
>>Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc luật trong lĩnh vực tài chính