“Với tư cách giám đốc quản lý danh mục đầu tư, tôi thấy bối rối và ngạc nhiên bởi diễn biến yếu kém tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại."
Trong thư gửi nhà đầu tư ngày 26/10/2022, ông Petri Deryng - Giám đốc Quỹ đầu tư ngoại PYN Elite chia sẻ, với tư cách người quản lý danh mục, ông cũng cảm thấy bối rối và ngạc nhiên với diễn biến hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giám đốc PYN Elite thông tin, Việt Nam đang là một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất toàn cầu kể từ đầu năm tới nay.
Tính từ mức 1.498 điểm hồi cuối năm 2021, đến hết phiên 26/10/2022, VN-Index đã đánh rơi 505 điểm - tương ứng 33,7% về còn 993 điểm
Trong vài tháng qua, đồng VND cũng giảm giá mạnh so với USD. Theo đó, cả 2 yếu tố này đã dẫn tới hiệu quả đầu tư không lấy làm tích cực của PYN Elite. Những đợt bán tháo hoảng loạn đã khiến các doanh nghiệp có động lực tăng trưởng xuất phát từ thị trường nội địa cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong đó có các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của PYN Elite.
Những diễn biến không thuận lợi đang đi ngược với tình hình kinh tế vĩ mô tích cực của Việt Nam với tăng trưởng GDP dự kiến trong năm 2022 có thể đạt hơn 8%; mức lạm phát “khiêm tốn” dưới 4% hay tình trạng của các doanh nghiệp niêm yết của rất tích cực: Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) của 50 công ty niêm yết lớn nhất ở mức 0,21.
“Với tư cách giám đốc quản lý danh mục đầu tư, tôi thấy bối rối và ngạc nhiên bởi diễn biến yếu kém tích cực của thị trường hiện tại. Đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam không hề ở mức định giá thấp.
Chúng tôi nhận thức được tình trạng cổ phiếu bị định giá quá cao tại thị trường Mỹ và đã có cách tiếp cận rất thận trọng với triển vọng tại thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi không lường trước được những yếu tố khó đoán định tại thị trường nước ngoài, kết hợp với một số động thái siết chặt quản lý của cơ quan quản lý có thể tạo ra tình huống đầy thử thách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện nay”, ông Petri Deryng cho biết.
Nếu so sánh diễn biến thị trường Việt Nam với các thị trường Đông Nam Á khác, có thể kết luận rằng 2/3 khoảng thời gian thị trường Việt Nam giảm sâu hơn đều xuất phát từ nguyên nhân nội tại. Các động thái siết chặt của nhà quản lý có thể gia tăng niềm tin trong dài hạn của nhà đầu tư nhưng trong ngắn hạn đang tạo ra những biến động với thị trường.
Diễn biến của thị trường chứng khoán một số quốc gia Đông Nam Á
kể từ đầu năm tới nay
Hiện tại, toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên tiêu cực, diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng nhanh chóng “đóng băng” tài chính của một số doanh nghiệp. "Nhiều tin đồn xuất hiện trên thị trường".
Trước câu hỏi đặt ra rằng "Khi nào tình hình sẽ dịu đi?", Giám đốc quỹ PYN Elite cho rằng, tình hình sẽ bình ổn trong những tháng tới, dù những quy định/hướng dẫn ngặt nghèo hơn vẫn sẽ duy trì trong vài năm.
“Khi thị trường chứng khoán tiêu cực và lao dốc bởi tin đồn, rất khó để sử dụng các yếu tố cơ bản để đoán định mức đáy. Cổ phiếu đang ở mức rất rẻ... và tôi thà nghĩ xem VN-Index sẽ tăng tới mức nào trong vài năm tới thay vì đoán đáy”, ông Petri Deryng cho biết.
PYN Elite đã lỗ 6/9 tháng từ đầu năm
Quỹ ngoại đến từ Phần Lan - PYN Elite ghi nhận hiệu suất đầu tư giảm hơn 13% trong tháng 9/2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa tìm thấy đáy. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất kể từ tháng 3/2020 của quỹ ngoại này.
Theo báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 9, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ PYN Elite đã giảm đến 13,19% so với tháng 8, tương đương giảm gần 60 triệu Euro (gần 1.390 tỷ đồng), xuống còn gần 393,3 triệu Euro.
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund lạc quan mốc 2.500 điểm của VN-Index 
Pyn Elite Fund: "Cá mập" quy mô 18.000 tỷ báo lỗ sau 11 tháng