VN-Index tăng gần 100 điểm sau 3 tuần, nên mua vào hay tiếp tục chờ đợi?
Theo chuyên gia chứng khoán, nếu VN-Index không vượt qua mốc 1.300 điểm, khả năng cao sẽ có nhịp điều chỉnh như đã từng xảy ra 2 lần trong năm nay.
Tại chương trình Khớp Lệnh do VTVMoney tổ chức chức vào ngày 26/8, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng Khoán VPBank (VPBanks) cho biết, sau khoảng 3 tuần tăng điểm mạnh (hơn 97 điểm tính đến phiên 23/8), VN-Index  đã gần chạm vùng cao 1.300 và cũng là lần thứ 3 trong năm 2024. Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán, chỉ số có thể sẽ gặp ngưỡng cản ở mức này.
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay |
Trong thời điểm chỉ số đang kiểm tra lại vùng 1.300 (+/-) thì nhà đầu tư không nên mua một cách bất chấp, vì khi chạm ngưỡng trên thường có áp lực chốt lời. Ông Sơn cho rằng 1.285-1.305 chính là vùng chốt lời diễn ra trong tuần này, đặc biệt nằm ngay trước tuần nghỉ lễ Quốc khánh.
Do đó, khả năng thị trường chững lại đà tăng và có xu hướng đi ngang, chuyển sang trạng thái kiểm nghiệm sức cầu trong ngắn hạn vì khi chạm vùng kháng cự kỹ thuật ở vùng điểm cao mà thanh khoản có dấu hiệu chậm lại thì có thể sẽ gặp nhịp Pull-back hoặc gặp trạng thái rung lắc đi ngang theo từng phiên.
Khá giống với nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, kết phiên 26/8, thị thường chứng khoán đã gặp nhịp điều chỉnh khi VN-Index đã giảm 5,3 điểm (-0,4%) xuống 1.280. Toàn thị trường nghiêng về bên bán với 429 mã giảm và 308 mã tăng. Sắc đỏ áp đảo trong rổ VN30-Index với 21 mã giảm, 6 mã tăng và 3 mã tham chiếu.
Với trạng thái thị trường như vậy, chuyên gia cho rằng chúng ta không có gì phải vội vàng mua đuổi, mà cần lựa chọn các nhóm ngành dẫn sóng và tìm điểm mua, ví dụ như nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí, xuất khẩu (thủy sản, dệt may).
Chuyên ra chứng khoán cũng đưa ra hai kịch bản trong thời gian tới. Ở kịch bản đầu tiên, VN-Index có thể chạm 1.300 điểm và có thể rung rắc. Sau đó có nhịp Pull-back và hỗ trợ ở gần 1256, qua đó xây nền ở khu vực này để tái tích lũy lại thanh khoản cũng như tạo ra lực đẩy mới cho thị trường trong giai đoạn sau.
Ở kịch bản thứ hai, nếu VN-Index không vượt qua 1.300, khả năng cao sẽ có nhịp điều chỉnh như đã từng xảy ra 2 lần trong năm nay.
Trong ngắn hạn, ông Sơn vẫn đang nghiêng về kịch bản thứ nhất nhưng cần có yếu tố hỗ trợ như Fed hạ lãi suất. Ngoài ra, vì các nhóm ngành trung bình đã tăng khoảng 7-10%, do đó áp lực chốt lời có thể xảy ra trong tuần này.
Với các cổ phiếu đi ngang và không có nhịp tăng trong giai đoạn thị trường hồi phục, chuyên gia chứng khoán cho rằng cần chờ đợi, nếu đó là cổ phiếu cơ bản tốt thì nên tiếp tục nắm giữ. Còn đối với cổ phiếu cơ bản nhưng để lướt sóng thì nên "trồng hoa và nhổ bớt cỏ dại", chuyển qua các nhóm ngành có thể hưởng lợi nhờ tín hiệu của dòng tiền và kết quả kinh doanh tốt.
>> Chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng vào tháng 9/2025