VN-Index và cao điểm 1.200: Nỗi lo của phe T+, kỳ vọng của nhà đầu tư tích sản

19-02-2024 00:01|Quốc Trung

VN-Index đã trở lại cao điểm 1.200 sau gần 5 tháng. Dù vậy, chuyên gia cho rằng việc thị trường chứng khoán tiếp tục lên cao là rất khó. Hiện nhà đầu tư đã bắt đầu thận trọng. Đâu là chiến lược hợp lý lúc này?

Tăng hơn 11 điểm sau 2 phiên giao dịch đầu năm 2024 Âm lịch, VN-Index chính thức vượt mốc 1.200 và đóng cửa ngay sát cao điểm 1.210.

Sau 2 tháng với sự tỏa sáng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ số sàn HoSE đã ghi nhận nhịp tăng hơn 125 điểm. Tuy nhiên, tín hiệu chốt lời đã bắt đầu xuất hiện trong 3 tuần gần nhất, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khi một số mã chịu áp lực bán ra, gây sức ép đến thị trường chung.

VN-Index và cao điểm 1.200: Nỗi lo của phe T+, kỳ vọng của nhà đầu tư tích sản
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp 3-5 lần thị trường chứng khoán, vượt vùng điểm 1.250 của VN-Index hồi tháng 9/2023 để thiết lập các mức đỉnh lịch sử

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) liên quan đến góc nhìn đầu tư ở thời điểm trọng yếu này.

Thưa ông, hiện chưa rõ vị thế nâng đỡ của các cổ phiếu trụ bank có thể được duy trì trong những tuần kế tiếp và VN-Index có thể hướng lên vùng giá cũ (1.250 điểm) hồi tháng 9/2023. Tuy nhiên, sự lo lắng của giới đầu tư đã bắt đầu hiện hữu. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề trên?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Xét trên góc nhìn kỹ thuật, có một số tín hiệu nhà đầu tư cần lưu ý ở thời điểm này.

Thứ nhất, kể từ khi VN-Index vượt 1.160 điểm, chỉ số đã chính thức bước vào uptrend. Trong một uptrend, việc điều chỉnh luôn là cơ hội để mua cổ phiếu với giá tốt cho mục tiêu trung/dài hạn.

Thứ hai, vùng 1.185-1.225 luôn được coi là vùng chiến lược, là bản lề của uptrend chỉ số. Nhìn lại quá khứ, năm 2022, khi VN-Index mất vùng chiến lược này, thị trường chứng khoán đã lao xuống như chiếc xe mất phanh. Vì vậy, đây là vùng giá rất quan trọng cho việc đầu tư, nếu vượt lên vững vàng, chúng ta có thể kỳ vọng vào một thị trường giá lên kéo dài vài năm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, VN-Index chưa thể vượt vùng kháng cự này một sớm một chiều được. Một quãng tích luỹ chặt chẽ trở lại có thể làm mềm kháng cự giúp thị trường có những đột phá lớn về sau.

Thứ ba, ở giai đoạn VN-Index vận động từ 1.080 lên 1.200 điểm, nhóm ngân hàng đã làm rất tốt nhiệm vụ dẫn dắt chỉ số vào uptrend; nhiều mã thậm chí tăng 25-50% chỉ sau hơn 3 tháng. Tôi cho rằng việc xuất hiện 5-7 phiên điều chỉnh hoặc lâu hơn là lẽ đương nhiên và nên thế.

Cũng cần nhấn mạnh vai trò của các cổ phiếu nhà băng trong việc lan tỏa sự tích cực tới những nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hoá nhỏ hơn như: Bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, cảng biển, dệt may, bán lẻ... Điều này thể hiện sự bài bản của một thị trường giá tăng bền vững và chuẩn mực khi nhóm lớn nhất lên trước, các nhóm nhỏ chạy sau...

VN-Index và cao điểm 1.200: Nỗi lo của phe T+, kỳ vọng của nhà đầu tư tích sản

Như ông chia sẻ, có khả năng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh trở lại. Vậy đâu là mức điều chỉnh khả thi?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Việc dự đoán ngắn hạn không khác gì câu chuyện tung đồng xu xin quẻ âm dương đầu năm bởi phần lớn đều mang tính chất may rủi. Tuy nhiên, như đã nói, vùng chiến lược 1.190+/-5 và 1.225+/-5 là vùng quan trọng cần lưu ý. Việc thị trường chứng khoán bứt phá ngay là rất khó bởi VN-Index đã có nhịp tăng dài 2 tháng qua. Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong uptrend chỉ ra rằng, thời điểm những con "bò mẹ" dừng lại gặm cỏ khi đã bỏ xa đàn con, điều này có nghĩa là cách để chúng chờ đợi đàn con lao lên cho cùng nhịp. Nói cách khác, khi các largecap dừng lại đà tăng, nhóm midcap và smallcap (đặc biệt là những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hoặc được kỳ vọng hưởng lợi từ các biến động quốc tế...) sẽ có cơ hội tranh thủ dòng tiền chốt lời ở nhóm cổ phiếu lớn và tăng giá.

Tất nhiên, nhà đầu tư cũng cần khắc phục tư duy, khi nhóm ngân hàng điều chỉnh thì cả thị trường chứng khoán sẽ lao dốc theo bởi điều kiện hiện tại (uptrend) khác các nhịp bulltrap (sóng hồi) trong downtrend.

Đâu là chiến lược đầu tư cho tuần giao dịch tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Nhân: Với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua và gia tăng sở hữu cổ phiếu cho mục tiêu trung/dài hạn trong đó:

- Nhóm ngân hàng: ACB, MBB, HDB, CTG, BID

- Nhóm bất động sản khu công nghiệp: KBC, IDC

- Nhóm chứng khoán: SSI, VCI, HCM

- Nhóm dầu khí: PVD, PVS, PVT

- Nhóm FPT: FPT, FRT

- Cảng biển, vận tải biển: GMD, HAH, DXP, VSC

- Nhóm nhựa: BMP, AAA

- Nhóm nông nghiêp: DBC, BAF, PAN

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>> Chuyên gia đề xuất nới thời gian giao dịch chứng khoán tới 16h để đẩy thanh khoản lên 30.000 tỷ/phiên

Nhóm ngành nào sẽ 'gối sóng' cổ phiếu ngân hàng sau Tết 2024?

Nhận định chứng khoán 19-23/2: Đà tăng chưa kết thúc, cơ hội chinh phục 1.250 điểm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vn-index-va-cao-diem-1200-noi-lo-cua-phe-t-ky-vong-cua-nha-dau-tu-tich-san-223347.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    VN-Index và cao điểm 1.200: Nỗi lo của phe T+, kỳ vọng của nhà đầu tư tích sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH