VNG: Bóng dáng tập đoàn Trung Quốc đứng sau 'cha đẻ' của Zalo, ai đang chi phối doanh nghiệp?
Lợi ích kinh tế tại VNG Limited - công ty chi phối VNG Corporation (UPCoM: VNZ) đang chủ yếu thuộc về nhóm cổ đông ngoại. Tuy nhiên, hai nhà sáng lập là Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải vẫn có tiếng nói trong các quyết sách quan trọng.
CTCP VNG (VNG Corporation - UPCoM: VNZ ) sở hữu hệ sinh thái trải dài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: game trực tuyến (VinaGame, ZingPlay), nền tảng kết nối (Zalo, Zing, Baomoi,...), thanh toán điện tử (ZaloPay), điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Hiện tại, VNG Corporation có 4 cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất gồm: VNG Limited (49%), CTCP Công Nghệ BigV (17,84%), ông Lê Hồng Minh (8,85%) và ông Vương Quang Khải (4,99%); còn lại là cổ đông nhỏ lẻ.
Ai đứng sau VNG Limited - công ty chi phối VNG Corporation?
VNG Limited có trụ sở tại đảo Cayman, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Đây là công ty đã nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào tháng 8/2023, nhưng sau đó đã rút lại.
Tuy nhiên, thương vụ này cũng đã hé lộ các pháp nhân kiểm soát "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam, bao gồm: hai nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải; hai "gã khổng lồ" từ Trung Quốc là Tencent của tỷ phú Mã Hóa Đằng và Ant Group của tỷ phú Jack Ma; cùng với GIC, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.
Hai công ty Trung Quốc là Tencent và Ant Group hưởng phần lớn lợi ích kinh tế từ VNG Limited |
Theo đó, VNG Limited phát hành hai loại cổ phiếu: hạng A (nắm giữ lợi ích kinh tế) và hạng B (không có lợi ích kinh tế). Tuy nhiên, 1 cổ phiếu hạng B có quyền biểu quyết tương đương với 10 cổ phiếu hạng A.
Ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải không có lợi ích kinh tế tại VNG Limited do không sở hữu cổ phiếu hạng A. Lợi ích kinh tế thuộc về Tencent (65,2 triệu cổ phiếu), GIC (15,3 triệu cổ phiếu), Seletar Investment Pte Ltd (9,4 triệu cổ phiếu), Ant Group (7,8 triệu cổ phiếu) và các cổ đông khác.
Tuy nhiên, ông Minh và ông Khải nắm giữ tổng cộng 14,3 triệu cổ phiếu hạng B, tương ứng với 51% quyền biểu quyết, và vẫn là những người có tiếng nói trọng yếu trong các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp.
Tỷ lệ biểu quyết tại VNG Limited - công ty chi phối VNG Corporation |
VNG hưởng lợi từ Tencent và Ant Group?
Tencent do tỷ phú Mã Hóa Đằng sáng lập, đây là nhà sản xuất trò chơi điện tử lớn nhất thế giới và điều hành nền tảng nhắn tin WeChat. Doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2024 của công ty ước đạt 22,04 tỷ USD.
Trong khi đó, VNG là đơn vị phát hành các trò chơi trực tuyến tại Việt Nam và Đông Nam Á, với các tựa game nổi tiếng như PUBG Mobile, Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại… Mảng này được ví như "gà đẻ trứng vàng" của VNG, nhiều trò chơi nổi tiếng được phát hành đến từ nhà phát triển Tencent Games.
Ngoài ra, VNG cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin số 1 Việt Nam là Zalo. Tính đến tháng 6/2024, Zalo có 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 1,9 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày.
Mã Hóa Đằng và Jack Ma nằm trong Top 10 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 |
Ant Group là công ty tài chính liên kết của Tập đoàn Alibaba, có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc, chuyên về xử lý thanh toán, cho vay tiêu dùng, phân phối sản phẩm bảo hiểm và nhiều lĩnh vực khác. Cả Ant Group và Alibaba đều do tỷ phú Jack Ma sáng lập.
Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, VNG đang phát triển ZaloPay. Tuy nhiên, trái ngược với mảng game, ZaloPay đã lỗ khoảng 4.760 tỷ đồng sau 8 năm hoạt động, trở thành nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của VNG suy giảm.
Đối thủ của Masan (MSN) có thể ‘soán ngôi’ VNG, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán 
VNG: Giá trị 'kỳ lân công nghệ' đầu tiên tại Việt Nam xuống dưới 10.000 tỷ đồng