Doanh nghiệp

VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI

Quỳnh Anh 25/02/2025 - 17:08

70 triệu USD là tổng số tiền mà VNG đã rót vào các start-up công nghệ tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay, chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thất bại của những thương vụ đầu tư gần đây của VNG trong lĩnh vực thương mại điện tử cho thấy những thách thức lớn mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt khi phải đối đầu với các đối thủ toàn cầu áp đảo cả về vốn và nguồn lực.

VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI
Ảnh: VNG

“Game” quá khó

Theo Dealstreet Asia, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là một chiến trường khốc liệt những năm gần đây. 70 triệu USD là tổng số tiền mà VNG đã rót vào các start-up công nghệ tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay, chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Khoản đầu tư sớm nhất của VNG là vào Tiki năm 2016 với 17 triệu USD đổi lấy 38% cổ phần, trước khi giảm xuống còn 14,61% khi JD.com và nhiều nhà đầu tư khác tham gia.

Telio - một công ty TMĐT định hướng B2B - chuyên số hóa các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở Việt Nam đã nhận được 22,5 triệu USD từ VNG năm 2021, chiếm hơn 50% tổng số tiền công ty huy động được trong thời gian này. Theo Statista, doanh thu từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ chiếm đến 70% doanh thu bán lẻ tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập VNG cho rằng Telio đang chứng tỏ là nền tảng thương mại điện tử B2B cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. "Chúng tôi đánh giá cao tham vọng của Telio và mong muốn thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược này đưa Telio vươn tới những mốc tăng trưởng mới".

Nói thêm về lý do mạnh tay đầu tư cho các start-up Việt nam, vốn có tiềm năng nhưng chưa chứng tỏ được nhiều về năng lực sinh lời, ông Minh từng nói mong muốn của VNG là xây dựng được một cộng đồng startup mạnh, có thể hỗ trợ và đồng hành cùng nhau để gia tăng giá trị và tạo được chỗ đứng trên thị trường khu vực.

VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI

Năm 2022, công ty tiếp tục rót 4,4 triệu USD cho EcoTruck (logistics) mua lại 20% cổ phần. EcoTruck được biết đến là doanh nghiệp nỗ lực tối ưu hóa ngành logistics Việt Nam bằng cách tích hợp công nghệ để cải thiện hiệu quả và giảm chi phí. Cuối năm 2023, VNG tiếp tục đầu tư 6 triệu USD vào Got It - một công ty chuyên cung cấp giải pháp quà tặng và chăm sóc khách hàng. Thương vụ đầu tư này được kì vọng sẽ giúp các sản phẩm của VNG như Zalopay tiếp cận hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp.

Tuy vậy, không phải giấc mơ nào cũng toàn màu hồng. Tiki dù từng là nền tảng bán lẻ trực tuyến đầy tiềm năng nhưng vài năm gần đây đã chứng kiến khoản lỗ tăng vọt báo động và hụt hơi thấy rõ trong cuộc đua dành thị phần. Dealstreet Asia dẫn số liệu từ công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric, trong nửa đầu năm 2024, Shopee dẫn đầu thị trường với 67,9% tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV). TikTok Shop đứng thứ hai với 23,2% thị phần và theo sau là Lazada chiếm 7,6% thị phần. Trong khi đó, Tiki chỉ chiếm vỏn vẹn 1,3% thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam trong cùng kỳ. Theo hồ sơ công bố với Cơ quan Kế toán và Quản lý Doanh nghiệp Singapore (ACRA), Tiki Global và các công ty con đã ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 82,85 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2023. Mặc dù khoản lỗ này thấp hơn 30% so với năm trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức lỗ 71,3 triệu USD ghi nhận vào năm 2021.

VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI

Hơn nữa, cũng theo Dealstreet Asia, việc huy động vốn đã trở nên vô cùng khó khăn trong môi trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh ở Đông Nam Á, nơi Tiki phải đối đầu với Shopee, Lazada, Tiktok Shop - đều là những đối thủ được hậu thuẫn bởi các tập đoàn mẹ của quốc tế và có tiềm lực tài chính hùng hậu: Chẳng hạn, Shopee thuộc sở hữu của Sea Ltd, Lazada được chống lưng bởi Alibaba của Trung Quốc và TikTok Shop là một đơn vị thuộc ByteDance. Theo BCTC Quý 4/2024, VNG đã không còn quyền kiểm soát đối với startup này sau khi chủ động rút hai đại diện của mình khỏi hội đồng quản trị của Tiki. Do đó, Tiki không còn được coi là công ty liên kết của VNG.

Tháng 12/2024, Telio đã chính thức giải thể. Điều này khiến khoảng 400 nhân viên mất việc, bao gồm cả đội ngũ công nghệ tại Ấn Độ. Chỉ vài tháng trước đó, Telio vẫn nỗ lực cải thiện tình hình tài chính. Theo Tech in Asia, ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập Telio cho biết công ty đã cắt giảm khoản lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD, giảm tới 80% so với mức đỉnh 1,4 triệu USD. Dù có tiềm năng lớn, Telio vẫn không thể vượt qua những thách thức cố hữu của mô hình thương mại điện tử B2B như chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận mỏng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), cùng chuỗi cung ứng phức tạp với nhiều tầng trung gian giữa nhà cung cấp và cửa hàng. Dù doanh thu hàng tháng vào thời điểm đóng cửa vẫn đạt 2,5-3 triệu USD, nhưng với nguồn vốn đã cạn kiệt, Telio không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng “game”.

Đặt cược cho AI, vẫn đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước

VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI

Chia sẻ với Dealstreet Asia, Ông Kelly Wong - Phó Tổng Giám đốc VNG khẳng định, ưu tiên của VNG luôn là các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: trò chơi điện tử, nền tảng kết nối, fintech và giải pháp doanh nghiệp số. “Các khoản đầu tư luôn mang tính bổ trợ đối với VNG, và ở một mức độ nào đó, chúng tôi tìm kiếm những cơ hội có thể thúc đẩy hợp tác và phát triển chung”. Theo ông Wong việc giảm thiểu rủi ro đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, là rất khó.

Ông cũng cho biết, chiến lược của công ty luôn là đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn cho các công ty công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên phát triển sản phẩm và dịch vụ dành cho người dùng cá nhân, bởi họ vẫn đang tìm cách phục hồi sau đại dịch COVID-19. “Chúng tôi thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư vào thương mại điện tử và đã giảm dần giá trị các khoản đầu tư này”. Việc đóng cửa một doanh nghiệp cụ thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của VNG và cũng không ảnh hưởng đến chiến lược cốt lõi của VNG, ông Wong nhấn mạnh. “Ngay cả khi các công ty được đầu tư gặp khó khăn, điều này cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến bức tranh chung của VNG. Dù vậy, công ty sẽ phải thay đổi cách đánh giá các thương vụ đầu tư cũng như việc phân bổ nguồn vốn.

Gần đây, VNG đã chuyển trọng tâm sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược đầu tư và củng cố vai trò của công ty trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á. Tại ĐHĐCĐ năm 2024, VNG đã xác định AI là một trong những trọng tâm chiến lược. Liên tục trong năm 2024, công ty công bố các hợp tác chiến lược về AI với những đối tác lớn toàn cầu.

VNG đã liên doanh với ST Telemedia Global Data Centers (STT GDC) vào quý 2/2024 để xây dựng các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cao tại TP.HCM. STT GDC là một trong những công ty trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới, và sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ nâng tầm hạ tầng dữ liệu của Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của quốc gia.

Tháng 6/2024, VNG cũng ra mắt trung tâm dữ liệu AI Cloud GreenNode tại Bangkok. Triển khai chỉ trong chưa đầy sáu tháng, đây là một trong những trung tâm AI Cloud quy mô lớn đầu tiên ở Đông Nam Á. Được NVIDIA lựa chọn làm đối tác chiến lược, trung tâm này mang đến các giải pháp AI tiên tiến, cung cấp hạ tầng hiện đại cho khu vực và tạo ra nguồn doanh thu đáng kể từ thị trường quốc tế.

Số liệu do VNG công bố cho thấy dự án GreenNode đã thu về hàng chục triệu USD từ thị trường nước ngoài. 20% người dùng Zalo đang sử dụng các tính năng có tích hợp AI. Bên cạnh đó, VNG cũng đang cung cấp giải pháp định danh điện tử (eKYC) cho hơn 20 ngân hàng và tổ chức tài chính, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này.

Trong dịp VNG tròn 20 tuổi, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh công ty rất hào hứng với AI nhưng sẽ không vội vã, “VNG đã tương đối hiểu là mình cần phải làm gì, mình muốn cái gì”. Có thể nói, dù xác định sẽ thận trọng hơn với các khoản đầu tư, nhưng kỳ lân công nghệ này vẫn sẽ không từ bỏ việc nhanh chóng đón bắt các xu hướng công nghệ giàu tiềm năng như AI, với mục tiêu rất rõ ràng: trở thành nhà cung cấp dịch vụ AI hàng đầu ở cả thị trường Việt Nam lẫn khu vực.

>> 'Kỳ lân' công nghệ VNG (VNZ) bất ngờ thông báo ngừng phát hành các game bài

Việt Nam sẵn sàng kết nối với những 'siêu cường' bán dẫn, AI nhờ 3 yếu tố

Việt Nam sắp đón cựu CEO Google cùng 1.000 chuyên gia về công nghệ bán dẫn, AI

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vng-than-trong-hon-voi-cac-thuong-vu-dau-tu-don-suc-cho-ai-278568.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    VNG: Thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư, dồn sức cho AI
    POWERED BY ONECMS & INTECH