"Quay xe" đột ngột cuối ngày, thị trường chứng khoán gãy trend tăng hay chỉ là phiên rung lắc?
Sau 5 phiên tăng điểm mạnh, VnIndex tăng từ 934.3 lên 1066.3. Đặc biệt, 4 phiên giao dịch gần đây, nhiều cổ phiếu xanh ngắt tím lịm trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư dẫn đến tâm lý FOMO bắt đầu xuất hiện. Nhà đầu tư sợ vuột mất cơ hội nhảy vào mua đuổi giá và phiên "quay xe" 1/12 hôm nay, VNIndex đã dội vào nhà đầu tư một gáo nước lạnh. Pha quay xe cực gắt 30 điểm từ 1066 về 1036 khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi đây là phiên "vỡ" trend tăng hay chỉ là phiên rung lắc.
Thị trường chứng khoán gãy trend tăng hay chỉ là phiên rung lắc?
Sống trong Downtrend, quen cảnh đo sàn nhiều phiên liên tiếp, tâm lý nhà đầu tư lúc này như chim sợ cành cong. Vừa thấy phiên giảm 30 điểm từ đỉnh của ngày thì nỗi sợ thị trường giảm sâu lại ùa về làm nhiều người hành động vội vã. Nhưng, phiên giảm 1/12 chỉ là rung lắc trong nhịp hồi phục hay đây là tín hiệu quay đầu giảm trở lại?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đưa ra “Bức tranh toàn cảnh xu hướng chung của VNindex 2022” để nhà đầu tư có thêm luận điểm lựa chọn.
Thứ nhất: Dễ thấy, theo phân tích kỹ thuật, VnIndex sau nhịp hồi phục mạnh vừa qua vẫn đang nằm trong xu hướng giảm dài hạn bắt đầu từ tháng 4/2022 đến nay (kênh xu hướng màu cam). Nghĩa là, sóng hồi phục vừa qua dù rất mạnh nhưng chưa giúp "bẻ gãy" trend giảm dài hạn chuyển sang tăng.
Thứ hai: Sau nhịp giảm sâu luôn có dòng tiền bắt đáy mạnh. VNindex sau đợt sụt giảm kinh hoàng đẩy chỉ số về mức giảm sâu nhất trên thế giới dẫn đến chỉ số chạm vùng hỗ trợ mạnh. Tại vùng này, lực mua xuất hiện. Đây là giai đoạn mà dòng tiền quay lại thị trường để “bắt đáy” sau khi các tin xấu đã tạm thời lắng xuống, giá cổ phiếu chiết khấu cực sâu và lượng hàng bán giải chấp đã cạn.
Làm sao biết dòng tiền quay lại?
Bên cạnh việc cổ phiếu, điểm số tăng thì nhìn vào khối lượng giao dịch trong tuần này trên HoSE thì thấy có rất nhiều phiên đột biến, cao hơn nhiều so với bình quân lượng giao dịch 20 tuần. Để soi kỹ hơn thì chúng ta cùng xem giá trị giao dịch trong các phiên gần đây.
Dù chỉ mới 4 phiên giao dịch, 3 tăng 1 giảm mà VNindex đã tăng mạnh gần 65 điểm tương đương 6,67% so với đóng cửa tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên khoảng 16,250 tỷ (chưa tính thỏa thuận)
Nếu so sánh với giai đoạn tháng 8/2022, trong tuần bùng nổ thanh khoản 01/08 – 05/08, VNindex đã có 5 phiên tăng mạnh hơn 46 điểm tương đương 3,85% với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày khoảng 15,000 tỷ (chưa kể giao dịch thỏa thuận)
Tuy nhiên nếu so sánh về điểm số thì VNindex tháng 8 khoảng 1230 điểm trong khi hiện tại VNindex chỉ 1036 điểm, còn cổ phiếu thì mặt bằng chung đã giảm sâu 50% - 70% so với giai đoạn tháng 8, tháng 9. Vậy thì với một lượng tiền còn nhiều hơn giai đoạn tháng 8, nhiều nhà đầu tư có cơ sử để tin rằng sóng hồi phục vừa qua có thể chỉ mới bắt đầu. Tức, phiên giảm điểm 1/12 vẫn chưa đủ độ tin cậy sẽ đảo được chiều xu hướng hồi phục!
Mối tương quan cung - cầu ở giai đoạn này ra sao?
Sau khi trải qua giai đoạn giảm sâu từ tháng 9 đến đầu tháng 11, nhiều nhà đầu tư bị ép bán giải chấp hoặc do tâm lý bi quan tiêu cực cũng đã bán tháo để cắt lỗ. Những nhà đầu tư còn nắm giữ đến hiện tại thường là nhà đầu tư dài hạn hoặc lỗ quá sâu nằm im chờ thời, không bán nữa. Do đó lượng cung cổ phiếu thời điểm này đã giảm đi nhiều.
Gần đây, lượng tiền đổ vào chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư lớn, có thể gọi là "tay to" hay "cá mập". Đây chính là các tổ chức như các quỹ nước ngoài như Fubon, Dragon Capital, khối tự doanh các Công ty chứng khoán, chủ tịch các công ty đăng ký mua lại cổ phiếu sau sự cố bị bán giải chấp bất ngờ, .... Họ nhận thấy thị trường đã điều chỉnh đủ sâu, cổ phiếu về mức định giá đủ hấp dẫn để mua vào. Dù chưa biết chắc đây là đầu tư lâu dài hay chỉ là lướt sóng nhưng trước mắt nguồn tiền đổ vào sẽ làm tăng lượng cầu.
Các dữ liệu về dòng tiền và phân tích tương quan cung - cầu cho thấy khả năng xu hướng chung vẫn sẽ là sóng hồi ngắn hạn ít nhất trong nửa đầu tháng 12 và phiên giảm này có thể chỉ là rung lắc. Chỉ có điều nhà đầu tư cần chú ý: Tăng sốc thì có thể chỉnh sâu. Mức độ biến động của thị trường giai đoạn này sẽ nhanh và mạnh. Có thể xuất hiện những phiên sáng giảm sàn, chiều tăng kịch trần hoặc ngược lại là bình thường nên nhà đầu tư nếu có dùng đòn bẩy margin thì cân đối để tránh rủi ro.
Doanh nghiệp đầu tiên công bố KQKD: Lợi nhuận kỷ lục, lãi lớn từ đầu tư chứng khoán 
Nhà đầu tư chứng khoán có 12 ngày nghỉ giao dịch trong năm 2025