Biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, được đại diện bởi VN-Index, được đánh giá rằng không có sự tương quan so với thị trường quốc tế.
Sau khi VnIndex xuyên thủng mốc 900 điểm về đầu 873 điểm hồi giữa tháng 11/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ. Dòng tiền bắt đáy ồ ạt diễn ra khi những cổ phiếu "hot" một thời bị bán mạnh. Đà bán tháo mạnh trong nhịp giảm sâu đó đồng thời khiến nhiều ông chủ doanh nghiệp cũng bị force sell (ép bán) lượng lớn cổ phiếu. Từ trạng thái này, lượng lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã được "sang tay", tạo lập một vòng quay mới.
Những phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu tức những phiên kỷ lục về số lượng cổ phiếu giao dịch liên tục xuất hiện. Sau đó là chuỗi ngày tăng sốc như chưa từng giảm của thị trường chứng khoán. VnIndex hồi phục ngoạn mục từ 873 điểm (hình thành trong phiên 16/11/2022) lên 1.094 điểm chốt phiên hôm qua (5/12/2022) tương đương mức tăng 220 điểm chỉ trong vòng 3 tuần.
Nhưng, mức hồi phục ngoạn mục đó liệu đã khiến thị trường chứng khoán Việt trở nên đắt đỏ chưa? Những người ở trạng thái nghi ngờ, chưa mua có nên tận dụng phiên giảm sâu (-45 điểm) hôm nay để mua vào cổ phiếu?
Để giúp nhà đầu tư có thêm thông tin để quyết định, chúng tôi xin thống kê diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua trong tương quan diễn biến các chỉ số chứng khoán chủ đạo trên thế giới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi "lệch pha" so với quốc tế
Thông thường, khi xem xét diễn biến của một thị trường chứng khoán như thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường khác, các chuyên gia tài chính thường hay so sánh biến động với 6 bộ chỉ số chính gồm:
Mỹ: Chỉ số Dow Jones Industrial Average (“DJIA”) được tập hợp từ danh sách 30 cổ phiếu blue-chip được niêm yết trên Sàn chứng khoán New York và NASDAQ.
Châu Âu: Chỉ số 100 Chứng khoán của Financial Times (Financial Times Stock Exchange 100 Index), còn được gọi là FTSE100 được phản ánh từ 100 công ty có vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên SGDCK London.
Hồng Kông: Hang Seng Index (HSI) phản ánh vốn hóa của 60 doanh nghiệp lớn nhất trên Sàn chứng khoán Hong Kong.
Hàn Quốc: Korea Composite Stock Price Index (“KOSPI”) phản ánh các cổ phiếu được giao dịch trên SGDCK Hàn Quốc.
Trung Quốc: phản ánh các cổ phiếu được giao dịch trên SGDCK Thượng Hải.
Nhật Bản: Chỉ số NIKKEI 225 phản ánh vốn hóa của 225 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên Sàn chứng khoán Nhật Bản.
Sở dĩ 6 bộ chỉ số này thường được giới đầu tư lựa chọn để so sánh tương quan với thị trường chứng khoán Việt Nam là bởi đây đa phần là các quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới hoặc có sự tương quan về dòng vốn đầu tư hoặc có quan hệ, giao thương nhiều với thị trường Việt Nam.
Khi so sánh biến động của biểu đồ của VNIndex, HNX Index và các bộ chỉ số khác có thể nhìn thấy 3 điểm lớn:
*Từ khoảng đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, 2 bộ chỉ số VnIndex và HNX-Index diễn biến tích cực nhất so với các chỉ số khác. Thời điểm đó, các chỉ số cũng đều ở trạng thái uptrend nhưng nhờ Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh bậc nhất toàn cầu xét về chỉ số GDP nên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đạt mức tăng đáng kể.
Hay nói dễ hiểu hơn, giai đoạn uptrend mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu thì VnIndex và HNX-Index đều tăng vượt trội hơn mọi chỉ số. Giai đoạn tăng điểm thì chart khá đồng pha tức tăng cùng tăng - giảm cùng giảm trong suốt một thời gian dài.
*Từ khoảng tháng 4/2022 đến nay: VnIndex và HNX Index có đợt giảm điểm trước và mạnh hơn Dow Jones và các chỉ số chứng khoán khác. Trong tất cả các thị trường tham khảo so sánh kể trên, đáng chú ý có thị trường chứng khoán Hồng Kông từng có nhịp giảm sâu hồi tháng 3/2022 và trở thành chỉ số chứng khoán đi ngược thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Hồng Kong sau đó cũng sớm lấy lại được sự đồng pha.
*Từ khoảng tháng 6/2022 đến tháng 8/2022, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng nhưng sau đó "uốn vòng cung" và điều chỉnh giảm. Lúc này, diễn biến của VnIndex và HNX-Index khá tương đồng với thế giới.
*Sự khác biệt lớn từ cuối tháng 9/2022 đến nay: Sau chuỗi điều chỉnh giảm từ tháng 7 đến hết tháng 9 do các yếu tố vĩ mô quốc tế liên tục tác động như việc FED tăng lãi suất hay NHTW các nước thắt chắt chính sách tiền tệ thì thị trường chứng khoán toàn cầu đã hồi phục trở lại. Nhìn chart diễn biến giá có thể thấy, hầu hết các chỉ số đều đã hồi phục trở về vùng điểm số cũ thậm chí vượt đỉnh trong tháng cuối năm 2022. Duy chỉ có VnIndex và HNX-Index tiếp tục lún sâu và không đồng pha với thị trường chứng khoán quốc tế.
Nhìn trên biểu đồ cũng có thể dễ dàng nhận thấy, kể cả khi VnIndex đã hồi phục tăng 220 điểm so với đáy thì VnIndex, HNX-Index vẫn đang là 2 chỉ số diễn biến "tệ" nhất so với các chỉ số được tham khảo. Hay nói cách khác, mức hồi phục của thị trường chứng khoán thời gian gần đây chưa thấm vào đâu so với diễn biến chung của thị trường chứng khoán toàn cầu!
Dưới đây là bảng đánh giá mức độ tương quan giữa biến động giá VN-Index với biến động giá của các chỉ số trên TTCK thế giới qua các khung thời gian tháng, tuần, ngày.
Có nên mua vào cổ phiếu khi VnIndex điều chỉnh giảm sâu phiên 6/12?
Ở Việt Nam, Thị trường chứng khoán vừa đón nhận những phiên tăng mạnh kỷ lục với các dòng tiền của các khối ngoại. Không chỉ thế, dòng tiền từ nhà đầu tư tích sản cổ phiếu, dòng tiền từ các quỹ đầu tư và các ông chủ doanh nghiệp...cũng đang tạo ra động lực thúc đẩy thị trường.
Đối với bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, nhiều người cho rằng nhịp giảm sâu gần đây đã hoàn toàn rũ bỏ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy vốn quá đà. Hiện tại, thị trường đi lên bằng khá nhiều tiền tươi thóc thật. Yếu tố này quan trọng để giúp thị trường bớt đi lo ngại một lần nữa rơi vào trạng thái force sell diện rộng.Theo nhiều nhà đầu tư, một yếu tố quan trọng khác đang là yếu tố thúc đẩy thị trường đó là việc đa phần nhà đầu tư đang "xa bờ" sau nhịp giảm bất ngờ khoảng nửa năm nay. Một khi ở trạng thái xa bờ và đã trải qua chu kỳ giảm sốc không cắt lỗ thì bây giờ cũng không có lý do gì để cắt lỗ ở chuỗi giảm điểm này.
Chính phủ đặt quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 
2024: VN-Index tăng 12%, doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD thu hẹp