Khoảng 12 triệu m3 (2,6 tỷ gallon) chất thải khoáng sản đã làm vỡ đập chứa, nhấn chìm hàng trăm người và cuốn trôi nhiều của cải.
Ngày 25/1/2019, một đập chất thải tại mỏ quặng sắt ở Brumadinho, Minas Gerais, Brazil, đã vỡ. Đây được coi là thảm họa  môi trường tồi tệ nhất thế kỷ 21 bởi đã khiến 272 người thiệt mạng, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch, chất thải đã đổ ra các con sông và đại dương.
Khoảng 12 triệu m3 (2,6 tỷ gallon) chất thải khoáng sản đã làm vỡ đập chứa, tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó san phẳng các khu dân cư gần đó, cuốn trôi nhà cửa, phá hủy một cây cầu đường sắt, đẩy bùn độc hại cao vào dòng sông Paraopeba.
Ngay lập tức, 5.000 người trong lực lượng cảnh sát chữa cháy được điều động để cứu hộ, tiến hành sơ tán  24.000 cư dân và tìm kiếm những người mất tích. Tổng cộng, thảm họa đã khiến 272 người thiệt mạng.
Tại Brumadinho, nhiều khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, ngành chăn nuôi địa phương bị thiệt hại nặng nề. Theo đánh giá của các cơ quan y tế địa phương, nguồn nước từ sông Paraopeba không thể sử dụng do ô nhiễm nặng, gây ra rủi ro cho sức khỏe con người và động vật. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm  đã ảnh hưởng đến các cộng đồng cách Brumadhino ít nhất 120km.
Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người. Nó còn lọt vào Top 3 thảm họa môi trường kinh khủng nhất trong toàn bộ lịch sử loài người, mà hai thảm họa kia xảy ra từ thế kỷ trước.
Công ty Vale đã thuê một nhóm chuyên gia để tiến hành báo cáo đánh giá về sự cố và báo cáo này đã được công bố vào tháng 12/2019. Theo đó, nguyên nhân chính của vụ vỡ đập chất thải Brumadinho là do lượng nước dồn lại quá nhiều trong mùa mưa trong khi hệ thống thoát nước không đủ mạnh. Báo cáo cũng cho biết nước lũ tụ lại ở đập đã làm cho các chất thải ban đầu ở dạng rắn trở nên nhão ra. Với hệ thống thoát nước yếu và nước lũ tụ lại trong thời gian dài khiến đập trở nên quá tải.
Kết luận không cho thấy sự bất ổn có thể nhìn thấy bằng mắt thường như biến dạng hoặc nứt vỡ trước khi sự cố xảy ra. Báo cáo cũng không đề cập đến kết quả của các cuộc điều tra khác liên quan đến sự cố nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, những tài liệu thẩm vấn bị lọt ra ngoài cho biết trước khi xảy ra thảm họa hai ngày, các kỹ sư đã bàn cãi về những thông số dị thường chỉ ra trên các thiết bị tự động đặt ở cạnh đập, song, không có những phản ứng tiếp theo như thông báo chế độ tình trạng khẩn cấp để kịp thời sơ tán dân cư.
Sau đó, Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale đã bồi thường 7 tỷ USD cho những thiệt hại này. Trong thông báo đưa ra ngày 4/2/2021, Vale cho biết theo thỏa thuận bồi thường mới đạt được, tập đoàn này cam kết đền bù đầy đủ cho Brumadinho, cũng như hỗ trợ sự phát triển của bang Minas Gerais.
Năm 2015, Brazil cũng từng phải đối mặt với thảm họa môi trường tồi tệ khi đập chứa chất thải Fundao - một phần của liên doanh giữa Vale và BHP - bị vỡ, gây ra việc gần 40 triệu m3 chất thải cực độc tràn ra khu vực Mariana, cũng thuộc bang Minas Gerais. Sự cố vỡ đập  này đã khiến 19 người thiệt mạng và 39 thị trấn bị ngập trong chất thải.