Vụ FLC: Bộ Tài chính từng phát hiện dấu hiệu bất thường về góp vốn tại Công ty Faros
Đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính từng phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Công ty Faros, nhưng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đoàn kiểm tra không có khả năng điều tra, xác minh...
Thời điểm tháng 3/2017, Bộ Tài chính có quyết định về việc kiểm tra Công ty Faros  và giao dịch cổ phiếu tại công ty này. Trong số các nội dung kiểm tra có kiểm tra việc tăng vốn và sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, đoàn kiểm tra gồm 21 thành viên thuộc các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã kiểm tra tại Công ty Faros và đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Công ty Faros.
Đoàn kiểm tra đã thu thập các chứng từ kế toán thể hiện số vốn góp đã được chuyển vào tài khoản của Faros nhưng sau đó được sử dụng chủ yếu vào các hoạt động đầu tư tài chính.
Dù phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ, nhưng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đoàn kiểm tra không có khả năng điều tra, xác minh “để kiểm tra về khả năng góp vốn và đã góp đủ vốn theo số vốn đã cam kết”.
Đoàn kiểm tra cũng đã tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT và đối chiếu với các quy định của pháp luật, phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hoạt động đăng ký kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính, cho vay, ủy thác đầu tư nên không có căn cứ xử lý đối với các vi phạm của Faros.
Thời điểm đó, đoàn thanh tra đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành các văn bản báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành 9 nội dung, trong đó có nội dung đề nghị xử phạt hành chính đối với Công ty Faros về hành vi vi phạm công bố thông tin.
Trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong giao dịch chứng khoán đối với nhóm cổ phiếu FLC.
Cụ thể, vào đầu năm 2017, đoàn kiểm tra đã kiểm tra trực tiếp tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết chứng khoán, trong đó có hồ sơ chấp thuận niêm yết mà chứng khoán ROS của Công ty Faros.
Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền chấp thuận hồ sơ niêm yết là của Sở Giao dịch chứng khoán. Đoàn kiểm tra không có thẩm quyền thẩm định lại hồ sơ chấp thuận niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Phương pháp kiểm tra chỉ là đối chiếu các tài liệu có trong hồ sơ so với danh mục các tài liệu theo quy định để xác định xem có đầy đủ, hợp lệ hay không…
Do vậy, đoàn kiểm tra đã không thể phát hiện ra sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ niêm yết của Sở Giao dịch TP.HCM.
Theo CQĐT, không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh kiểm tra của đoàn kiểm tra, do đó không có căn cứ xem xét trách nhiệm đối với các thành viên đoàn kiểm tra do UBCKNN, Bộ Tài chính thành lập.
Cơ quan điều tra kiến nghị kịp thời nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường
Khi hoàn tất kết luận điều tra vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, CQĐT Bộ Công an đã chỉ ra những kẽ hở của pháp luật mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để cố tình làm sai.
Ví dụ, một doanh nghiệp có thể “tự tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng vốn tiền thật nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ công ty, để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính (như lừa đảo; thao túng các hoạt động đấu thầu, giấu giá; thao túng thị trường chứng khoán…), gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
CQĐT đề nghị Bộ Tài chính: Phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, các hoạt động đăng ký, niêm yết, phát hành, đầu tư, giao dịch cổ phiếu.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tạo niềm tin vào thị trường và nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an nhằm tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán để kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật.
CQĐT cũng đề nghị UBCKNN: Tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, trong đó tập trung vào giao dịch các mã cổ phiếu có dấu hiệu biến động giá mạnh, chạm tiêu chí giám sát do các Sở Giao dịch chứng khoán chuyển nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém hoặc chuyển từ lỗ thành lãi.
Kịp thời nhận diện mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua hội nhóm online, diễn đàn, mạng xã hội, có biến động giá thuộc tiêu chí giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
>> Lái xe của ông Trịnh Văn Quyết được 'phù phép' nắm giữ cổ phiếu trị giá 230 tỷ
Tiền lừa đảo nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết chi dùng vào việc gì? 
Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán: NĐT kêu ‘thiệt hại’ có được bồi thường?