Thị trường

Vụ người dân đổ xô mua gạo: Từ 'ngôi vương' thế giới tới ồ ạt xả kho

Thanh Huyền 19/01/2025 - 14:15

Lúa vào mùa thu hoạch nhưng vẫn đứng trên ruộng, thu hoạch về thương lái không mua; nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo ùn ứ hàng, phải xả kho với giá rẻ. Đây là tình trạng đáng báo động với ngành hàng lúa gạo được coi là thế mạnh của Việt Nam.

Giá gạo lao dốc

Vài ngày nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng nhiều nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo mở kho xả hàng gạo với giá giảm mạnh, giảm tới 200.000 đồng/bao dẫn đến hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ gạo.

Chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp gạo nội địa tại TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trước giờ giá gạo có giảm nhưng cũng không nhanh đến vậy. Chỉ trong vòng 1 tháng mà giá gạo giảm khoảng 2.000 đồng/kg, doanh nghiệp không trở tay kịp. Với tình hình này, giá gạo khó tăng trở lại nên buộc phải xả hàng với giá rẻ để gom vốn hoặc trả tiền ngân hàng”.

Cần phải nói thêm rằng, từ tháng 12/2024 giá gạo xuất khẩu bắt đầu đà giảm. Từ một nước tự tin với giá gạo đắt đỏ nhất thế giới vào tháng 11/2024, đến nay giá gạo của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất so với các nước xuất khẩu gạo mạnh trong khu vực.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 19/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 419 USD/tấn, xuống thấp hơn gạo của nhiều nước trong khu vực (Thái Lan: 460 USD/tấn; Ấn Độ: 433 USD/tấn; Pakistan: 477 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 395 USD/tấn và 326 USD/tấn.

Vụ người dân đổ xô mua gạo: Từ 'ngôi vương' thế giới tới ồ ạt xả kho ảnh 1
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL - Ảnh: Cảnh Kỳ.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA - cho rằng, giá gạo lao dốc là do Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới.

Giá gạo xuất khẩu “lao dốc” kéo theo giá lúa gạo trong nước đi xuống, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo và bà con nông dân đang bị tác động mạnh.

Hiện nay, dù vào vụ thu hoạch chính nhưng giao dịch lúa gạo tại các địa gần như ngưng trệ. Các doanh nghiệp không xuất được hàng khiến cho thương lái ít thu mua lúa, gạo thậm chí bỏ cọc dù đang vào chính vụ thu hoạch. Thậm chí nhiều nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo phải mở kho xả hàng gạo với giá rẻ.

Đứt gãy chuỗi giá trị

Theo ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc lúa vào mùa thu hoạch nhưng vẫn đứng trên ruộng, thu hoạch về thương lái không mua; nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo ùn ứ hàng, phải xả kho với giá rẻ… là tình trạng đáng lo ngại với ngành hàng lúa gạo được coi là thế mạnh của Việt Nam.

Vụ người dân đổ xô mua gạo: Từ 'ngôi vương' thế giới tới ồ ạt xả kho ảnh 2
Giá gạo xuất khẩu giảm kỷ lục đang tác động mạnh tới thị trường trong nước. Ảnh: VGP.

Theo ông Sơn, trước đây tại Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) cũng từng xảy ra tình trạng trên, khi đó nhà nước đã áp dụng một số biện pháp để bình ổn thị trường như tạo cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ lãi cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lúa gạo vay tiền mua lúa gạo từ người dân.

"Việt Nam đã không ít lần phải làm như thế để tạo dòng luân chuyển về tài chính trong lúa gạo, để nông dân bán được lúa gạo, có tiền tái sản xuất vụ sau", ông Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết đó chỉ là cách xử lý ngắn hạn để xử lý dài hạn cần có nhiều biện pháp căn cơ hơn đó là phải đảm bảo dòng chảy của chuỗi lúa gạo. Điều này đặt ra bài toán cho chúng ta là cần xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Trong đó, việc gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo với nông dân và các địa phương chuyên canh lúa gạo để các bên có thể chia sẻ với nhau cả về lợi nhuận và rủi ro. "Việc này nói nhiều rồi nhưng vẫn chưa làm được, chuỗi giá trị vẫn đứt đoạn", ông Sơn trăn trở.

Hiện nay, quy trình mua bán diễn ra thường là thương lái mua các hợp đồng đấu thầu lên trên thị trường rồi mới tiến hành thu mua lúa gạo của nông dân. Việc này gây rủi ro cho cả hai phía.

"Giá lúa gạo trong nước mà lên cao thì doanh nghiệp chết, như đợt vừa rồi khi ký hợp đồng xuất khẩu xong thì giá gạo của nông dân lên cao, dẫn đến doanh nghiệp bị thua lỗ. Nhưng khi giá xuống, nông dân lại chết vì các thương lái ép giá", ông Sơn nhận định.

Từ thực trạng trên cho thấy, khâu căn cơ nhất là xây dựng cơ chế, tổ chức thể chế, xây dựng chuỗi giá trị, làm thế nào để xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

"Chỉ có một cách duy nhất để hàng triệu nông dân kết nối với hàng vạn, hàng nghìn doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi ích đó là xây dựng chuỗi giá trị bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, việc đầu tiên là nông dân cần tổ chức lại với nhau, kết nối với nhau trong các hợp tác xã, trong các hội nông dân. Tiếp theo là các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, từ doanh nghiệp chế biến đến doanh nghiệp xuất khẩu, đến doanh nghiệp đầu vào vật tư.

Cuối cùng là xây dựng nên đại diện ngành hàng, trong đó có đại diện của nhà nước, đại diện của nông dân, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh. Để từ đó cùng ra quyết định sản xuất bao nhiêu, nhắm vào thị trường nào, xuất khẩu với giá như thế nào. Tất cả phải được điều hành hướng đến lợi ích chung.

"Bây giờ mới tiến hành là quá chậm, nhưng chúng ta phải tổ chức lại hội đồng ngành hàng, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, cùng nhau kết bè vượt qua bão giá, vượt qua khó khăn", ông Sơn khẳng định.

>> Lý do người dân miền Tây đổ xô đi mua hàng trăm tấn gạo về dự trữ

Giá lúa gạo hôm nay 18/1: giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm 3 USD/tấn

Giá lúa gạo hôm nay 16/1: giá gạo giảm nhẹ

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/vu-nguoi-dan-do-xo-mua-gao-tu-ngoi-vuong-the-gioi-toi-o-at-xa-kho-post1710687.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vụ người dân đổ xô mua gạo: Từ 'ngôi vương' thế giới tới ồ ạt xả kho
    POWERED BY ONECMS & INTECH