Xã hội

Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng tiền từ thiện: Người quyên góp tiền cho bé Bắp có quyền yêu cầu công an điều tra

Mạnh Lân 24/02/2025 - 16:57

Trước đó, Tiktoker Phạm Thoại từng đăng bài viết "Thư ngỏ lời giúp đỡ", kêu gọi quyên góp vì bé Bắp nguy kịch, cần gấp 6-7 tỷ đồng chữa trị tại Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt, đặc biệt là những người quyên góp có liên quan đang yêu cầu Tiktoker Phạm Thoại cần phải sao kê số tiền từ thiện dành cho bé Bắp.

Trước đó, vào ngày 4/11/2024, Tiktoker Phạm Thoại từng đăng một bài viết trên trang cá nhân mở đầu là "Thư ngỏ lời giúp đỡ", nhằm quyên góp tiền cho bé Bắp, một bệnh nhi nguy kịch cần khoản tiền lên tới 6-7 tỷ đồng để điều trị tại Trung Quốc. Nam Tiktoker cũng cho biết anh đã sử dụng một ứng dụng công nghệ có tên Thiện nguyện để gây quỹ, cho phép mọi người kiểm tra giao dịch như sao kê online.

Tính đến trưa ngày 24/2, tài khoản do Phạm Thoại quản lý đã ghi nhận số tiền ủng hộ lên tới hơn 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ còn lại hơn 54,7 triệu đồng trong tài khoản, khiến dư luận đặt câu hỏi về số tiền đã được rút đi đâu.

Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng tiền từ thiện: Người quyên góp tiền cho bé Bắp có quyền yêu cầu công an điều tra - ảnh 1
Bài đăng trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Sự việc đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng, nhất là những người đã đóng góp, khi họ mong muốn được biết số tiền của mình đã được sử dụng như thế nào. Trong khi đó, mẹ của bé Bắp đã từ chối cung cấp thông tin cập nhật về tình hình của con mình và những yêu cầu sao kê chi tiết số tiền quyên góp. Bà cho rằng việc Phạm Thoại kiểm tra là đã đủ và khẳng định rằng đây là những khoản tiền quyên góp tự nguyện, không yêu cầu phải giải trình.

Liên quan tới vụ việc, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP. HCM) đã có những chia sẻ với báo Người Lao động để làm rõ khía cạnh pháp lý.

Theo đó, hoạt động kêu gọi từ thiện có nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo quy định của Nghị định 93/2021, mọi hoạt động quyên góp đều yêu cầu tính minh bạch và công khai về số tiền thu được. Đặc biệt, khi quyên góp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cá nhân kêu gọi phải công khai rõ ràng thông tin quyên góp trên các phương tiện truyền thông theo khoản 2 điều 23 của Nghị định.

Trong trường hợp của Phạm Thoại, anh đã sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để quyên góp, nên có thể công khai thông tin người ủng hộ bằng cách tự lập danh sách hoặc yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê. Việc sao kê từ ngân hàng được coi là phương pháp đáng tin cậy hơn để đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng tiền từ thiện: Người quyên góp tiền cho bé Bắp có quyền yêu cầu công an điều tra - ảnh 2
Nếu không tuân thủ các yêu cầu công khai, Phạm Thoại không chỉ tự đặt mình vào thế khó khăn mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã ủng hộ. Ảnh: Chụp màn hình/Bài viết cập nhật tình hình bé Bắp trên trang cá nhân của Phạm Thoại

Nghị định 93 cũng nghiêm cấm các hành vi như báo cáo sai sự thật hay chiếm đoạt tiền quyên góp. Để chứng minh sự trong sạch, Phạm Thoại cần công khai đầy đủ thông tin về số tiền thu được và số tiền đã chuyển cho mẹ bé Bắp. Việc chuyển khoản ngân hàng là cách thức minh bạch và rõ ràng nhất trong trường hợp này.

Nếu không tuân thủ các yêu cầu công khai, Phạm Thoại không chỉ tự đặt mình vào thế khó khăn mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã ủng hộ. Họ có quyền được biết tiền của mình đã được sử dụng như thế nào. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, họ có quyền yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để làm rõ.

Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì hành vi sai phạm này có thể sẽ bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt có thể đối mặt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân (tùy thuộc vào giá trị chiếm đoạt).

Mặc khác, về trách nhiệm của mẹ bé Bắp trong trường hợp này, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, mẹ cháu Bắp có nghĩa vụ đảm bảo minh bạch về số tiền mà các nhà hảo tâm đã quyên góp để chi trả cho việc điều trị của con bà. Bà cần chứng minh số tiền được sử dụng đúng cho mục đích y tế của Bắp. Nếu bà sử dụng số tiền này để thanh toán các dịch vụ y tế cao cấp, nhằm đảm bảo điều trị tốt nhất cho Bắp, thì những người đã ủng hộ không có lý do gì để phàn nàn. Tuy nhiên, nếu có một phần tiền chưa được sử dụng do quá trình điều trị vẫn đang diễn ra, bà cũng cần phải công bố số tiền đó một cách rõ ràng.

Việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến sự hoài nghi trong lòng những người đã đóng góp, khiến họ tự hỏi liệu số tiền mình đã quyên góp có thực sự được sử dụng đúng mục đích hay không.

Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng tiền từ thiện: Người quyên góp tiền cho bé Bắp có quyền yêu cầu công an điều tra - ảnh 3
Nếu người ủng hộ nghi ngờ người kêu gọi sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích, họ có thể gửi đơn đến cơ quan công an cấp tỉnh để yêu cầu xác minh và xử lý. Ảnh: Yeah1

Cuối cùng, về quyền lợi của những người đã tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện này, ông Phát cho biết, theo điều 23 của Nghị định 93, người phát động các chiến dịch từ thiện phải minh bạch về số tiền nhận được từ các mạnh thường quân. Điều này nhằm đảm bảo rằng người ủng hộ được biết số tiền của họ được ghi nhận đúng mức và sử dụng đúng mục đích.

Trong trường hợp của Phạm Thoại, với việc rút hơn 16 tỷ đồng từ quỹ từ thiện, người đã ủng hộ có quyền yêu cầu cơ quan công an can thiệp để điều tra.

Nếu người ủng hộ nghi ngờ người kêu gọi sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích, họ có thể gửi đơn đến cơ quan công an cấp tỉnh để yêu cầu xác minh và xử lý. Khi đệ đơn, họ cần cung cấp các bằng chứng như chứng từ chuyển tiền, thông tin về tổng số tiền đã được công bố và bằng chứng về sự thiếu minh bạch trong việc công khai tài khoản.

Nếu điều tra phát hiện có hành vi lừa đảo, người phát động chiến dịch từ thiện có thể bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nếu người được hỗ trợ cũng tham gia vào các hành vi vi phạm, họ có thể bị xét xử như đồng phạm. Trong trường hợp này, người ủng hộ được coi là bên bị hại và có quyền yêu cầu bồi thường dân sự, đòi lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đóng góp, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp.

>> Danh tính người đàn ông vừa trúng Vietlott 152 tỷ đồng: Vừa nhận tiền đã chi 2 tỷ làm từ thiện, quyết định giấu con việc trúng số

Danh tính người đàn ông vừa trúng Vietlott 152 tỷ đồng: Vừa nhận tiền đã chi 2 tỷ làm từ thiện, quyết định giấu con việc trúng số

Lợi dụng từ thiện, tặng quà để quảng cáo cá cược, cờ bạc trực tuyến

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/vu-tiktoker-pham-thoai-rut-hon-16-ty-dong-tien-tu-thien-nguoi-quyen-gop-tien-cho-be-bap-co-quyen-yeu-cau-cong-an-dieu-tra-137409.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vụ Tiktoker Phạm Thoại rút hơn 16 tỷ đồng tiền từ thiện: Người quyên góp tiền cho bé Bắp có quyền yêu cầu công an điều tra
    POWERED BY ONECMS & INTECH