Vụ Vạn Thịnh Phát: Lý do khiến cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn không được giảm án
Dù đã nộp trả toàn bộ 5,2 triệu USD, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc nhưng hậu quả do cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn gây ra trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên HĐXX đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo.
Ngày 3/12, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan  và 47 đồng phạm vì liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Bị cáo Lan và 47 đồng phạm đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới đối với các bị cáo, cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của 44 bị cáo. Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) và Đặng Quang Nguyên (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Natural Land) bị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Căn cứ không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nhàn, HĐXX cho rằng, bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây xói mòn niềm tin của nhân dân; ảnh hưởng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB đến nay chưa khắc phục được hậu quả.
Cũng theo HĐXX, mặc dù bị cáo Nhàn đã nộp lại toàn bộ 5,2 triệu USD nhận hối lộ và nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng; quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, nhưng hậu quả của bị cáo gây ra trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
“Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án nghiêm khắc là có căn cứ”, HĐXX nêu quan điểm.
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Nhàn biết rõ bị cáo Trương Mỹ Lan nắm chi phối gần tuyệt đối tại SCB, toàn quyền chỉ đạo hoạt động ngân hàng này. Tuy nhiên, bị cáo Nhàn đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để 2 lần gặp gỡ bà Lan, trao đổi về kết luận thanh tra.
Thông qua bị cáo Văn và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT của SCB), bị cáo Nhàn đã nhận 4 lần tổng số tiền 5,2 triệu USD của bị cáo Lan để chủ trì xây dựng kết quả thanh tra theo hướng không đề nghị đưa ngân hàng này vào dạng kiểm soát đặc biệt, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm, không chuyển cho cơ quan điều tra về các sai phạm của ngân hàng này. Đây chính là nguyên nhân các cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn hành vi của bà Lan và đồng phạm.
Giữ vai trò chính trong vụ án, dù được cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn bị tuyên tử hình về tội “Tham ô tài sản”.
Về lý do không xem xét giảm án cho tội tham ô cho bị cáo Lan, HĐXX nêu quan điểm, dù bị cáo Lan và các bị cáo, cá nhân, pháp nhân đã nộp khắc phục thêm tiền; bị cáo Lan cũng tự nguyện đưa nhiều tài sản vào khắc phục hậu quả, nhưng những tài sản này chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị, từ đó chưa đủ cơ sở xác định bị cáo khắc phục được 3/4 hậu quả để áp dụng giảm nhẹ hình phạt.