Với hình tượng nữ đại gia có cuộc sống sang chảnh, đối tượng đã thành công trong việc tạo dựng lòng tin với nhiều người, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.
Sáng 19/4, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên xét xử đối với bà Phùng Thị Nghệ (38 tuổi, ngụ Hải Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt, do đó bị cáo đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để các luật sư có điều kiện tham gia bào chữa cho mình. Một trong những lý do không tham dự phiên toà được phía luật sư đưa ra là chưa kịp nghiên cứu hồ sơ vụ án. HĐXX quyết định hoãn phiên tòa sau khi hội ý đồng thời cho biết sẽ không chấp nhận việc các luật sư vắng mặt trong phiên xét xử mở lại.
Việc tố tụng xử lý hành vi của Nghệ liên quan đến việc chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng của 2 đại gia sinh sống tại TP. HCM.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 8 người khác ở nhiều tỉnh thành có đơn tố cáo Nghệ chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng nhưng do hết thời hạn điều tra nên cơ quan công an tách ra thành vụ án khác để tiếp tục củng cố chứng cứ xử lý ở giai đoạn sau.
Bị can Phùng Thị Nghệ. Ảnh: Công an TP.HCM |
>> Bất ngờ số tài sản bị kê biên, ngăn chặn giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết 
Trước đó, bị cáo Phùng Thị Nghệ bị truy tố với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Qua quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã ra quyết định thay đổi tội danh khởi tố sang lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý toàn diện vụ án.
Theo Công an TP. HCM, chiêu thức của bị can là tạo niềm tin với người đã quen biết, sau đó vẽ ra các dự án làm ăn với lợi nhuận cao, rủ những người này góp vốn vào. Tạo cho mình 1 vỏ bọc hào nhoáng như trụ sở công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), cuộc sống sang chảnh, có cả hàng chục chiếc siêu xe, kim cương đắt tiền… đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người.
Trong thời gian đầu (khoảng 1 năm), bị can Nghệ kêu gọi các nạn nhân góp vốn để kinh doanh xăng dầu và trả lợi nhuận với lãi suất rất hấp dẫn. Khi các nạn nhân đã tin tưởng và hưởng lợi nhuận rất cao từ việc góp vốn cho Phùng Thị Nghệ kinh doanh thì Nghệ vẽ ra dự án lớn hơn đó là thành lập “ngân hàng ngoại hối”.
Đối tượng đã thành công thuyết phục bà Linh (ngụ quận 7) góp vốn tổng cộng gần 602 tỷ đồng. Tương tự, nữ bị cáo nhận góp vốn của bà Tuyết (một nữ đại gia khác cũng ngụ tại quận 7) số tiền hơn 606 tỷ đồng.
Đối tượng xây dựng hình ảnh sang chảnh trên mạng xã hội |
Để tạo lòng tin, đối tượng dùng tiền lừa đảo được trả lãi đầy đủ và ký các văn bản xác nhận nợ. Đồng thời nói với hai người rằng đang xin phép thành lập ngân hàng và dùng số tiền đã nhận để ký quỹ thành lập ngân hàng, cam kết cho hai người đứng tên cổ phần. Tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Đây là căn cứ xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tuy nhiên, các tài liệu giao dịch thể hiện Nghệ đã chuyển cho bà Linh hơn gần 443 tỷ, bà Tuyết 416 tỷ đồng được xác định là "lợi nhuận". Do đó, hậu quả thiệt hại Nghệ gây ra đối với bà Linh là gần 163 tỷ đồng; bà Tuyết là hơn 185 tỷ đồng. Đây là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của bị cáo.
Bên cạnh đó, vào tháng 2/2021, bà Tuyết yêu cầu Nghệ trả gấp 25 tỷ đồng. Vì Nghệ chưa kịp chuẩn bị tiền nên bà Tuyết yêu cầu Nghệ vay tiền của người quen biết với bà Tuyết là bà Lê Thị Thu Hà (đối tượng Nghệ không quen biết bà Hà), điều kiện vay là thế chấp căn biệt thự tại Quận 7 của Nghệ (giá trị tại thời điểm đó 180 tỷ đồng). Sau đó, bà Tuyết đã nhận của Nghệ 25 tỷ đồng
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, cơ quan điều tra cấn trừ khoản tiền này vào thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường của Nghệ cho bà Tuyết còn hơn 159 tỷ đồng.