Vua Nệm tìm ra công thức 'mở cửa hàng là có lãi' sau nhiều năm thua lỗ
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Vua Nệm mở 6 cửa hàng, tất cả đều sinh lời ngay từ cấp cửa hàng.
Công ty cổ phần Vua Nệm vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 12,9 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2024. Đây không phải là lần đầu công ty thua lỗ, Vua Nệm thành lập năm 2007 và được Mekong Capital rót vốn đầu tư từ năm 2018. Kể từ khi doanh nghiệp công bố thông tin từ năm 2017 đến nay, chỉ duy nhất năm 2021 doanh nghiệp này báo lãi và 2023 là năm lỗ kỷ lục,
Tuy nhiên, chia sẻ trong buổi phỏng vấn với VnExpress, CEO Nguyễn Thị Thanh Huyền tin rằng công ty đang đi đúng hướng và lỗ hiện tại nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn.
Theo bà Huyền, Vua Nệm từng bước dồn lực mở rộng hệ thống bán lẻ để chiếm lĩnh thị phần và dẫn đầu ngành nệm. Việc mở mới liên tục các cửa hàng ban đầu đã gây thua lỗ, nhưng đồng thời tạo vị thế lớn cho doanh nghiệp. Giai đoạn này, Vua Nệm chuyển từ chiến lược mở rộng sang tối ưu hóa, tập trung vào việc cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả vận hành.
Công ty đã thử nghiệm công thức "mở là có lãi" và đạt thành công bước đầu. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Vua Nệm mở 6 cửa hàng, tất cả đều sinh lời ngay từ cấp cửa hàng. Đây là sự cải thiện đáng kể so với tỷ lệ 57% cửa hàng có lãi vào năm trước. Đáng chú ý, chi phí đầu tư cho các cửa hàng mới này giảm 70% so với năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế của Vua Nệm |
>> Vua Nệm chậm đóng hàng tỷ đồng bảo hiểm xã hội, kinh doanh vẫn chưa thấy lãi 
Để tăng cường hiệu quả, Vua Nệm đã áp dụng chiến lược địa phương hóa, thay vì sử dụng một mô hình chung cho toàn bộ hệ thống. Các cửa hàng mới được thiết kế dựa trên nhu cầu thị trường từng khu vực với danh mục hàng hóa phù hợp với quy mô dân số, thu nhập và thị hiếu của người dân địa phương.
Ngoài ra, công ty cũng tối ưu quy trình kho vận, giữ chi phí kho ở mức 3,3% doanh thu, đồng thời giảm số lượng nhân viên từ 883 xuống còn 552 người, nhưng vẫn tăng doanh số mỗi cửa hàng thêm 6% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 7, 91,5% cửa hàng của Vua Nệm đã đạt EBITDA dương, cao hơn 20% so với năm trước.
Mặc dù dự kiến có lãi vào năm 2024, bà Huyền thừa nhận mức lợi nhuận ròng năm nay có thể chưa cao, với biên lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 0,3%. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2027 là duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững, với biên lợi nhuận tăng lên 5%.
Trước đây, Vua Nệm đặt mục tiêu mở rộng nhanh chóng, nhưng hiện tại công ty chọn cách mở rộng thận trọng hơn. Thay vì mở nhiều cửa hàng trong thời gian ngắn, Vua Nệm sẽ tập trung vào các khu vực có nhu cầu cao, cạnh tranh mạnh và đảm bảo hiệu quả từng cửa hàng.
Công ty cũng đã điều chỉnh phân khúc khách hàng, từ tập trung vào nhóm trung và cao cấp sang đa dạng hóa sản phẩm để thu hút cả khách hàng thu nhập thấp hơn. Điều này không chỉ giúp Vua Nệm thích nghi với biến động kinh tế mà còn mở rộng tệp khách hàng tiềm năng. Dữ liệu của công ty cho thấy, những khách hàng trẻ mua sản phẩm giá rẻ ban đầu, nhưng sau đó có xu hướng quay lại với đơn hàng giá trị cao.
Trong hai năm tới, Vua Nệm sẽ tiếp tục tập trung mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các thành phố lớn và tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường nội địa. Để đạt được mục tiêu, công ty sẽ tìm kiếm thêm nguồn vốn nhưng không đánh đổi tốc độ mở rộng bằng sự thiếu kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc Vua Nệm |
CEO Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định rằng, trải nghiệm khách hàng và chất lượng sản phẩm vẫn là "xương sống" của Vua Nệm để giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường bán lẻ nệm tại Việt Nam.
Bà Huyền gia nhập Vua Nệm từ cuối năm 2016, từng giữ nhiều vị trí như Giám đốc trải nghiệm khách hàng, Giám đốc bán lẻ miền Bắc. Đến tháng 4/2023 bà tiếp nhận vị trí Giám đốc kinh doanh và tháng 9/2023 bà Huyền chính thức trở thành CEO của Vua Nệm.
Nhậm chức trong giai đoạn doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nữ CEO quyết định đóng 25 trong số 35 cửa hàng hoạt động thiếu hiệu quả và tái cấu trúc những cửa hàng còn lại, tối ưu 35% nhân sự. Bên cạnh đó, Vua Nệm kiện toàn bộ tiêu chí mở mới với KPI rõ ràng nhằm đảm bảo mỗi cửa hàng mở ra đều có chỉ số hoạt động hiệu quả ngay từ đầu. Hiện tại, hệ thống này đang có 134 cửa hàng, phân phối nhiều thương hiệu nệm trong nước và thế giới.
Vua Nệm tiếp tục chìm trong thua lỗ 
Vua Nệm chậm đóng hàng tỷ đồng bảo hiểm xã hội, kinh doanh vẫn chưa thấy lãi