Vùng đầm lầy 175.000km2 lớn nhất thế giới sắp bị 'xóa sổ' hoàn toàn?
Chính quyền địa phương đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng kéo dài 6 tháng kể từ giữa năm nay.
Ngày 4/9, Bộ trưởng Môi trường Brazil, bà Marina Silva đã cảnh báo rằng vùng đầm lầy  lớn nhất thế giới, Pantanal có thể hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ này do các vụ cháy rừng  liên tiếp, hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo TTXVN, trong phiên điều trần trước Ủy ban Môi trường của Thượng viện Brazil, bà Silva đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ pháp lý để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Hiện có gần 2.000 khu vực đô thị tại Brazil đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do tác động của việc Trái Đất ngày càng nóng lên.
Bà Marina Silva cũng nhấn mạnh rằng Pantanal đang trải qua đợt hạn hán  kỷ lục, lần tồi tệ nhất trong 74 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng hạn hán và cháy rừng hiện nay ở Pantanal rất đáng lo ngại, đặc biệt vì mùa cháy rừng đỉnh điểm thường diễn ra vào nửa cuối năm, với tháng 9 là thời điểm khô hạn nhất.
Do lượng mưa thấp và nước trong khu đầm lầy bốc hơi nhanh, các con sông và vùng đồng bằng xung quanh không có nước lũ bổ sung, dẫn đến các đám cháy rừng liên tục bùng phát và lan rộng từ đầu năm đến nay.
Chính quyền bang Mato Grosso do Sul, Brazil, nơi chiếm phần lớn diện tích vùng đất ngập nước Pantanal, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng kéo dài 6 tháng kể từ giữa năm nay.
Pantanal với diện tích khoảng 175.000km2, chủ yếu nằm ở Brazil, một phần nhỏ thuộc Bolivia và Paraguay. Đây là hệ sinh thái quan trọng, điều hòa nước và khí hậu trong khu vực rừng Amazon rộng lớn. Trong mùa mưa, khoảng 80% diện tích đồng bằng này ngập nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi 18.000km2 của Pantanal, khu vực được UNESCO công nhận là Di sản thế giới .
Từ "Pantanal" bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha "pântano," có nghĩa là đầm lầy. Thực tế, khu vực này là một vùng đồng bằng phù sa rộng lớn, bao gồm nhiều loại địa hình như sông, hồ, đồng cỏ, rừng và xavan.
>> Siêu cường số 1 thế giới hoàn tất dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất lịch sử