“Vương quốc” sản xuất pin xe điện gọi tên Trung Quốc

11-10-2022 13:40|Mẫn Nhi

Nếu như trong thế kỷ 19, đề tài được nhắc đến nhiều nhất là cơn sốt vàng ở Mỹ thì thế kỷ 21 này, người ta đổ xô chạy đua khai thác lithium (hay còn được gọi là dầu trắng). Và đất nước đang trên đà thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu chính là Trung Quốc.

Lithium đã trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng trong nền kinh tế công nghệ cao hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất pin cho ô tô điện (EV).

Nếu như trước đây, giá thành sản xuất loại pin này rất cao, thì nay, với đột phá trong công nghệ do người Trung Quốc phát triển, việc sản xuất pin lithium trở nên dễ dàng và rẻ hơn nhiều, kéo theo nhu cầu lithium tăng mạnh, dự kiến đưa Bắc Kinh lên ngôi vị thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc đang thống trị ngành pin ô tô điện như thế nào?

Nếu nói về sản lượng lithium, Trung Quốc không phải là cao nhất, thậm chí là tương đối thấp nhưng họ lại chiếm lĩnh nguồn cung các sản phẩm cuối cùng, sản xuất gần 2/3 lượng pin lithium trên toàn thế giới. Trong khi, Mỹ chỉ có 5%.

Các nước sản xuất lithium lớn nhất hành tinh là Australia và Chile, nhưng các nước này lại bán hầu hết sản lượng của họ cho Trung Quốc. Theo dữ liệu do trung tâm Benchmark Minerals Intelligence cung cấp, Bắc Kinh kiểm soát gần như tất cả các cơ sở xử lý lithium trên toàn cầu.

Vài năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc thi nhau thu mua mỏ ở một số nước giàu lithium như Argentina và Australia. Riêng tại Nam Mỹ, đất nước đông dân nhất đã đầu tư 4,2 tỉ USD vào các thoả thuận lithium.

batteries-1-jaguar_i-pace_cutaway_016.jpeg

Trung Quốc cũng kiểm soát 60% năng suất sản xuất pin điện. Tính đến năm 2030, Goldman Sachs dự đoán “con rồng châu Á” có thể cung cấp pin cho 60% tổng số xe điện trên toàn cầu.

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm tăng cường hoạt động sản xuất pin điện trong nước, thị trường này vẫn do công ty châu Á thống trị.

Theo Oilprice, hiện tại, các công ty Trung Quốc chiếm 56% thị phần pin xe điện toàn cầu, theo sau là các doanh nghiệp Hàn Quốc (26%) và Nhật Bản (10%).

Dẫn đầu thế giới là công ty CATL của Trung Quốc với thị phần tăng từ 32% năm 2021 lên 34% năm 2022. Một phần ba pin xe điện trên thế giới đều đến từ công ty Trung Quốc. Kể từ năm 2011, khi được tách ra từ mảng sản xuất pin điện thoại của TDK, chuyên cung cấp cho Apple và các công ty khác, CATL đã phát triển nhanh chóng.

xehay-catl-25052022-1_result.jpeg

Công ty hiện cung cấp pin xe điện cho nhiều hãng xe lớn như Tesla, Peugeot, Hyundai, Honda, BMW, Toyota, Volkswagen và Volvo.

Xu hướng thúc đẩy lĩnh vực xe điện và chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải carbon của Trung Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cơ hội tăng trưởng lớn hơn nữa cho CATL.

Tuy nhiên, một yếu tố đang đe dọa thực sự đối với CATL có thể là đột phá trong công nghệ pin. Trong khi các công ty Trung Quốc có lợi thế về công nghệ pin lithium-ion đã phổ biến, thì các đối thủ nước ngoài đã tập trung phát triển thế hệ pin mới là pin thể rắn. Pin này hiệu suất cao hơn và an toàn hơn nhưng đòi hỏi sự đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất hiện tại.

Thế giới đang bước vào "cuộc đua" sản xuất pin xe điện 

Xe điện vẫn tiếp tục phát triển, trong khi xe động cơ đốt trong (ICE) sẽ biến mất dần trong những thập kỷ tới. Gần đây, General Motors đã thông báo rằng họ đặt mục tiêu ngừng bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035, trong khi Audi có kế hoạch ngừng sản xuất các mẫu xe này vào năm 2033.

Không chỉ các hãng ô tô và công nghệ mới đẩy mạnh việc đầu tư sản xuất pin cho xe điện, chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đã có chính sách tăng cường cho ngành công nghiệp này.

1x-1-1662098659818-16620986608171609066240.jpeg

Bên cạnh xe điện, công nghệ pin đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng. Khi thế giới chuyển đổi sang xe điện, các công ty cũng chạy đua để bảo vệ và củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng pin, từ việc khai thác khoáng sản đến sản xuất.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hướng tới mục tiêu doanh số bán xe ô tô điện ở Mỹ sẽ đạt ít nhất 50% vào năm 2030, với kỳ vọng thúc đẩy tạo việc làm cho người dân ở các bang chiến trường bầu cử chủ chốt, đối phó với cạnh tranh từ Trung Quốc trong thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng, và giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu.

Nỗ lực phát triển pin từ nhiều nguồn vật liệu khác nhau diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của châu Âu đặt ra kế hoạch loại bỏ các phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel và xăng.

Gần đây, công ty sản xuất pin xe điện Thuỵ Điển Northvolt sẽ hợp tác với công ty sản xuất giấy và bao bì Stora Enso để phát triển pin tích hợp các thành phần có nguồn gốc từ gỗ trong những cánh rừng Bắc Âu. Với một thỏa thuận phát triển chung, hai công ty sẽ hợp tác sản xuất pin có cực dương chứa sợi carbon từ lignin. Cực dương là một phần quan trọng của pin, ngoài ra còn có cực âm và chất điện phân.

Theo các chuyên gia trong ngành ô tô, Trung Quốc đang trở thành “đầu tàu” cho các quốc gia châu Á trong lĩnh vực tái chế pin xe điện đã hết hạn. Nước này đang triển khai một số công nghệ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường trong khâu xử lý pin. Công suất xử lý pin đã qua sử dụng tối đa ở Trung Quốc được cho là lớn hơn châu Âu và Mỹ. Hiện các “ông lớn” sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm cả Tesla, đang sử dụng công nghệ mà các nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc cung cấp.

Xem thêm: Toyota bZ4X đi lùi trên đường đua xe điện với doanh số bằng 0

Chip nhớ Hàn Quốc bất ngờ xuất hiện trong siêu phẩm điện thoại mới của Huawei, hàng nội địa vẫn chưa thể sánh kịp?

10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vuong-quoc-san-xuat-pin-xe-dien-goi-ten-trung-quoc-152848.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    “Vương quốc” sản xuất pin xe điện gọi tên Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH