Vĩ mô

Xa lộ Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc còn nguyên vẹn hay đã đổi thay so với ngày 30/4/1975?

Nguyễn Huế 24/04/2025 20:00

Sau 50 năm thống nhất, cầu Rạch Chiếc, cầu Thị Nghè, dinh Độc Lập..., những địa điểm gắn liền với ngày 30/4/1975 tại TPHCM, dù còn nguyên vẹn hay đã đổi thay, vẫn là nơi lưu lại những ký ức sâu đậm của lịch sử dân tộc.

LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới ”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Đó còn là bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VietNamNet mời độc giả “đến thăm” các lõm chính trị - căn cứ giữa lòng địch, các địa điểm nay đã đi vào lịch sử...


Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi.

Sau 50 năm, những địa điểm lịch sử - như dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất... hay nhiều con đường trong thành phố từng ghi dấu ấn sâu đậm những năm tháng kháng chiến cũng như ngày 30/4/1975 - dù còn nguyên vẹn hay đã thay đổi thì vẫn là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân Việt Nam.

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa ngày 30/4/1975.

Xa lộ Biên Hòa được khởi công xây dựng từ năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Ngày 10/10/1984, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội. Đây là một trong những con đường cửa ngõ dẫn vào nội ô TPHCM khi đi từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ. Trục giao thông huyết mạch này còn chạy song hành với metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ngày 30/4/1975, quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn qua ngả cầu Thị Nghè. Và ngày nay, đoạn đường qua cầu Thị Nghè đã được chia 2 làn với dải phân cách cứng, mật độ phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày khá cao.

Hình ảnh xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975 luôn là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Ngày này, dinh Độc Lập trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách tham quan. Đây cũng là nơi họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo Trung ương và thành phố.

Sáng 30/4/1975, xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh tiến vào dinh Độc Lập - phủ Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Dinh Ðộc Lập là một công trình kiến trúc độc đáo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Dinh được khởi công xây dựng tháng 7/1962 và khánh thành vào tháng 10/1966.

Khi thiết kế dinh, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.

Trong bức ảnh bên trái, Trung úy Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng xe tăng 4 (người cầm cờ, phía trước) - cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập.

Ngày nay, lối đi lên sảnh này vẫn nguyên vẹn như trước.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 30/4/1975. Ngày nay, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân giải phóng ngày 30/4/1975, tại đoạn đường trước dinh Độc Lập. Đây là 1 trong 5 đại lộ đầu tiên tại Sài Gòn được người Pháp quy hoạch. Theo học giả Vương Hồng Sển, đường được mở vào năm 1872 sau khi dinh Toàn quyền được xây dựng, lúc bấy giờ có tên là đại lộ Norodom. Cuối thập niên 1880, sau khi các lũy đất của thành Gia Định bị san bằng hoàn toàn, đại lộ Norodom mới được nối dài thêm một đoạn.

Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên đại lộ Norodom thành đại lộ Thống Nhất. Năm 1975, đại lộ được đổi tên thành đường 30 tháng 4 và đến năm 1986, UBND TPHCM quyết định đổi tên thành đường Lê Duẩn như hiện nay.

Tại đường Lê Duẩn ngày 30/4 tới đây sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh có nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử dân tộc. Trong đó, trận đánh cầu Rạch Chiếc - 1 trong 3 cây cầu huyết mạch ở hướng Đông dẫn vào Sài Gòn - quy mô không lớn nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta.

Tại đây, các chiến sỹ đặc công biệt động của các đơn vị Z23, Z22 và D81, Lữ đoàn 316 chiến đấu anh dũng để chiếm giữ, đón đại quân tiến vào trung tâm thành phố. Trong trận chiến ngày 27/4/1975, có 52 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Đúng 5h sáng 30/4/1975, các chiến sĩ còn lại của Z22, Z23 nổ súng chiếm cầu. Đến 6h30, xe tăng của Lữ đoàn 203 qua cầu vào thành phố, tiến về dinh Độc Lập.

W-bia rạch chiếc nguyễn huế.jpg

Ngày nay, cầu Rạch Chiếc đã được xây dựng lại, là tuyến giao thông quan trọng giúp TPHCM kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh cầu Rạch Chiếc hiện có bia tưởng niệm 52 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngay trước ngày thống nhất. Suốt 50 năm qua, cứ gần đến ngày 30/4, những người còn lại của Z23, Z22 và người thân của các liệt sỹ cùng làm lễ tưởng niệm, thả hoa đăng… tưởng nhớ anh linh những đồng đội đã khuất.

>>Phi công lái Su-30MK2 dẫn đầu đội hình ‘hổ mang chúa’ bay trên nóc Dinh Độc Lập trong lễ diễu binh 30/4 sắp tới: Mang hàm Đại tá, từng tham gia nhiều sự kiện quốc phòng quan trọng

Lịch diễu binh, diễu hành ngày 30/4 tổ chức mấy giờ, ở đâu, lịch trình thế nào?

Chiếc xe tăng húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975: Từng gây ra cuộc tranh cãi kéo dài suốt 2 thập kỷ, đang được trưng bày tại bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xa-lo-bien-hoa-cau-rach-chiec-nguyen-ven-hay-doi-thay-so-voi-ngay-30-4-1975-2391616.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xa lộ Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc còn nguyên vẹn hay đã đổi thay so với ngày 30/4/1975?
    POWERED BY ONECMS & INTECH