‘Xanh hoá’ bằng xe điện, lý do Việt Nam sẽ tiết kiệm được 498 tỷ USD
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông sang xe điện còn có thể giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu.
Đem lại nhiều lợi ích về kinh tế
Để hoàn thành mục tiêu “xanh hoá” ngành giao thông, báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” của Ngân hàng Thế giới đưa ra lộ trình doanh số bán xe điện  từ nay đến năm 2050 phải đạt 78 triệu chiếc.
“Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ mang lại nhiều lợi ích trên toàn nền kinh tế, đồng thời nâng cao an ninh năng lượng của đất nước”, báo cáo nêu rõ.
Theo đó, một trong những tác động trực tiếp của việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là giảm tiêu thụ xăng và dầu diesel của các xe sử dụng động cơ đốt trong. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch.
Dựa trên đặc điểm sử dụng của các phân khúc phương tiện khác nhau và hiệu suất năng lượng của chúng, ước tính Việt Nam đã thu được lợi ích từ việc giảm nhu cầu nhiên liệu do quá trình chuyển đổi sang xe điện ở phân khúc xe 2 bánh. Tính trong năm 2022, với số lượng xe điện 2 bánh lưu thông ở Việt Nam đã giúp giảm khoảng 390 triệu lít xăng.
Nếu việc sử dụng xe điện đi theo lộ trình SPS (kịch bản theo chính sách đề ra) đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm được lượng tiêu thụ 306,401 triệu lít xăng và 409,416 triệu lít dầu diesel so với “kịch bản không có xe điện”.
Theo lộ trình ADS (kịch bản tăng tốc giảm phát thải carbon), tổng lượng xăng và dầu diesel tiết kiệm được đến năm 2050 lần lượt là khoảng 360,939 triệu lít và 524,471 triệu lít. Việc này sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập khẩu dầu, tiết kiệm cho nền kinh tế khoảng 498 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2050.
Chưa kể, chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ tạo ra khoảng 6,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tính đến năm 2050, cũng như tạo nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa xe điện.
Hơn nữa, chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể giúp Việt Nam giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ với mức giảm là 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050.
Có tác động lớn trong giảm phát thải khí nhà kính
Ngoài những lợi ích về mặt kinh tế, ông Bowen Wang - tác giả chính của báo cáo này còn nhấn mạnh, phương tiện giao thông chạy điện có vai trò hạn chế trong việc đạt được các mục tiêu Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2030, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 năm 2050.
Trong NDC, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vô điều kiện là 64,8 triệu tấn CO2 tương đương (MtCO2eq) vào năm 2030 từ lĩnh vực liên quan đến năng lượng, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. Trong điều kiện được hỗ trợ quốc tế về công nghệ và tài chính, mục tiêu này có thể tăng lên 227,0 MtCO2eq.
Việc đạt được các mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện theo Quyết định 876 sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính đạt 5,3 MtCO2eq vào năm 2030. Mức giảm này đóng góp khoảng 8% vào mục tiêu giảm phát thải vô điều kiện đã đặt ra cho toàn bộ lĩnh vực liên quan đến năng lượng trong NDC.
Tuy nhiên, tác động giảm phát thải từ việc chuyển đổi sang xe điện đến năm 2030 còn khiêm tốn, vì phần lớn các phương tiện giao thông chạy điện sẽ là xe điện 2 bánh. Trong khi đó, phân khúc chi phối lượng phát thải giao thông đường bộ tính đến năm 2030 thì xe tải hàng hóa vẫn chưa bước vào giai đoạn xe điện thâm nhập nhanh chóng.
Song, sau năm 2030 và đặc biệt là từ năm 2035, khi quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam chuyển dịch từ xe 2 bánh sang xe ô tô con, xe tải và xe buýt liên tỉnh, tác động giảm phát thải sẽ nhanh chóng tăng lên.
Nếu tất cả các mục tiêu sử dụng xe điện theo Quyết định 876 đều đạt được thì tổng mức giảm phát thải khí nhà kính nhờ chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ vào khoảng 226 MtCO2eq, tương đương với mức giảm 60% so với kịch bản cơ sở trong NDC vào năm 2050, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra tính toán dự báo.
Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện không cần phải chờ đến khi ngành điện lực giảm phát thải carbon mới có tác động.
Trong lịch sử, hoạt động sản xuất điện ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than và khí đốt. Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng trong Quy hoạch điện VIII hiện tại để mở rộng đáng kể công suất năng lượng tái tạo và chuyển dịch từ than sang khí đốt.
Theo đó, phát thải từ ngành điện có thể giảm nhiều hơn nữa khi quá trình xanh hóa lưới điện tiếp tục diễn ra. Quá trình giảm phát thải carbon trong ngành điện lực đã có kế hoạch cụ thể, nhưng sẽ cần thời gian.
Báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” khẳng định, việc chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo ra tác động giảm phát thải khí nhà kính đáng kể, bất kể cơ cấu nguồn cung cấp điện trên lưới điện. Bởi, hiệu suất tiết kiệm năng lượng của xe điện cao hơn nhiều so với xe chạy xăng và dầu diesel.
Kết quả xây dựng mô hình trong nghiên cứu cho thấy, lượng phát thải từ việc sản xuất, truyền tải và phân phối điện từ hệ thống điện để sạc xe điện có thể dễ dàng được bù đắp bằng việc tránh được hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch trên ô tô chạy xăng và dầu diesel.
Ngay cả khi tỷ lệ các nguồn điện trong lưới điện không thay đổi so với mức năm 2022, chỉ riêng quá trình chuyển đổi sang các phương tiện giao thông chạy điện sẽ tạo ra mức giảm phát thải ròng là 2,2 triệu tấn CO2eq đến năm 2050. Nếu hoàn toàn đạt được mục tiêu xanh hóa lưới điện theo Quy hoạch điện VIII, mức giảm phát thải ròng từ quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ là 5,3 triệu tấn CO2eq đến năm 2050.
Hiện, các phương tiện giao thông đường bộ là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85% lượng phát thải của ngành giao thông vận tải.
Đặc biệt, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như: oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10). Các khí thải này góp phần gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe doạ đến sức khoẻ của người dân.
Do đó, lợi ích then chốt của việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là tránh phát thải các chất ô nhiễm không khí từ hoạt động của xe động cơ đốt trong bằng cách chuyển sang sử dụng xe điện.
>> Taxi chạy đua ‘điện hóa’: Gần 7.000 xe điện VinFast được ký kết trong nửa đầu tháng 11 
Việt Nam cần hơn 2 tỷ USD để 'phủ sóng' trạm sạc xe điện 
Tổng thống Trump đòi bỏ trợ cấp xe điện 7.500 USD, liệu có dễ dàng?