Nhiều mẫu xe hot của Honda như SH, Vision, Lead... đều ghi nhận mức tăng giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu.
Kênh giá vốn là thực tế từ lâu nay của xe máy Honda, nhưng gần đây nóng hơn, đặc biệt kể từ sau khi hãng điều chỉnh tăng giá cho 20 dòng xe hồi tháng 4/2022.
Đáng chú ý, mức tăng của các mẫu xe hot tại các đại lý đưa ra còn cao hơn nhiều lên, thậm chí có mẫu bán ra chênh lệch đến hàng chục triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.
Tình trạng loạn giá dù đã được người dùng liên tục phản ánh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giá xe không có dấu hiệu hạ nhiệt mà thậm chí còn liên tục phá đỉnh mới.
Cụ thể, tại thời điểm này, Honda Lead bản tiêu chuẩn hiện có giá 48,5 triệu đồng chênh 9,4 triệu đồng; bản cao cấp giá 52,5 đồng chênh 11,2 đồng.
Xe Air Blade 125 phiên bản tiêu chuẩn giá 48 triệu đồng chênh 5,91 triệu đồng, phiên bản đặc biệt giá 52 triệu đồng chênh 8,71 triệu đồng. Hay như Air Blade 2023 vừa ra mắt cách đây không lâu giá hiện tại ở đại lý đang ở mức 54,35 đến 71,75 triệu đồng, chênh lệch từ 12-16 triệu đồng với mức đề xuất.
Giá tất cả các phiên bản Honda SH 125/150 đang có sự chênh lệch khá lớn so với giá đề xuất của hãng.
Cụ thể, Honda SH 125 CBS và SH 125 ABS đang có giá bán lần lượt là 83,2 và 90,5 triệu đồng. Phiên bản SH 150 CBS có giá 98,7 triệu đồng, chênh hơn 10 triệu đồng so với giá đề xuất.
Hai phiên bản SH 150 ABS và SH 150 Thể thao vẫn có giá bán cao ngất ngưởng, lần lượt là 118 và 122 triệu đồng, chênh tới hơn 20 triệu đồng so với giá bán đề xuất của hãng.
Đặc biệt, Honda Vision - mẫu xe được ví là xe ga quốc dân đã ghi nhận mức chênh giá khủng chưa từng có kể từ khi mẫu xe này xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Honda Vision phiên bản Tiêu chuẩn được chào bán giá 44 triệu đồng, chênh 14,01 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng. Các phiên bản Cao cấp, Đặc biệt có mức chênh khoảng 16 triệu đồng.
Đắt hơn cả là Vision bản Cá tính, có giá công bố 34,49 triệu đồng nhưng khách muốn mua xe cần trả tới 53 triệu đồng. Như vậy, khách hàng mua xe Honda Vision đang phải bỏ ra gấp khoảng 1,5 lần giá xe theo đề xuất của hãng, mức chênh lệch tùy từng đại lý.
Không riêng xe tay ga, các mẫu xe số của hãng này cũng tăng giá đáng kể. Chẳng hạn, mẫu Blade có giá bán lẻ 22-25,3 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất 4 triệu đồng/chiếc; Wave RSX giá 20-25 triệu đồng/chiếc; Wave Alpha giá 20 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá chính hãng 5,34 triệu đồng/chiếc…
Honda Việt Nam cho biết ảnh hưởng từ các biến động kinh tế - chính trị và cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu, quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm của nhiều ngành hàng bị tác động nặng nề và hãng không ngoại lệ.
Đồng thời, trong nhiều lần trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng chênh giá xe máy, đại diện Honda Việt Nam đều cho biết giá niêm yết của hãng chỉ là mức giá đề xuất. Hãng và đại lý là những đối tác kinh doanh độc lập. Do đó, đại lý có quyền chủ động đối với hoạt động bán hàng, bao gồm cả việc quản lý giá bán của từng mẫu xe.
Tuy nhiên, người dùng cho rằng câu trả lời đến từ Honda Việt Nam không giải quyết được câu hỏi vì sao giá xe máy của hãng lại chênh cao "ngất ngưởng" đến thế.
Theo thống kê từ giới kinh doanh xe, thị phần xe máy của Honda chiếm gần như tuyệt đối trên thị trường với khoảng 80%; còn lại 20% chia đều cho 4 hãng Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM. Với thị phần khiêm tốn, giá xe bán ra của cả 4 hãng trên đều ổn định.
Trong bối cảnh "cơn bão giá" liên tục leo thang, nhiều người tiêu dùng đã và đang chuyển sang phương án sử dụng xe điện để tiết kiệm chi phí. Trên các hội nhóm về xe điện trên mạng xã hội Facebook không khó để thấy hàng loạt bài viết tìm mua xe điện đăng tải mỗi ngày. Nhiều người cho biết, do giá xăng tăng cao là nguyên nhân khiến họ chuyển sang dùng xe điện để tiết kiệm tài chính.