Chứng khoán

Xi măng Công Thanh: Nợ 7.300 tỷ đồng - tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ, vốn chủ âm nặng vì lỗ lũy kế

Bảo Bảo 09/12/2024 - 11:04

Với tình trạng lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu âm nặng và áp lực tài chính ngày càng gia tăng, Xi măng Công Thanh đang đối diện với tương lai bất định.

CTCP Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, do Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam thực hiện. Báo cáo ghi nhận những khó khăn kéo dài của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xi măng đầy biến động.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần chỉ 90 tỷ đồng, giảm mạnh 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do thị trường xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn: cung vượt cầu, nhu cầu tiêu thụ giảm và cạnh tranh xuất khẩu gay gắt từ các nước láng giềng.

Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty tiếp tục lỗ gộp 156 tỷ đồng, so với mức lỗ 141 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Xi măng Công Thanh: Nợ 7.300 tỷ đồng - tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ, vốn chủ âm nặng vì lỗ lũy kế - ảnh 1
Nhà máy sản xuất của Công Thanh

>> Xi măng Công Thanh đứng trước nguy cơ phá sản

Chi phí tài chính cao, lỗ ròng vượt 742 tỷ đồng

Áp lực chi phí tài chính tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp, với chi phí lãi vay lên tới 547 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế âm 742 tỷ đồng, tăng so với mức âm 609 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Liên tục thua lỗ đã khiến khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6 tăng lên 8.647 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu âm tới 7.747 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh giảm còn 11.811 tỷ đồng, trong đó gần 10.800 tỷ đồng là tài sản cố định. Các khoản phải thu và hàng tồn kho ở mức khiêm tốn 720 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của công ty tăng lên gần 20.000 tỷ đồng, bao gồm dư nợ vay tài chính hơn 7.300 tỷ đồng, khiến áp lực trả nợ ngày càng nặng nề.

Doanh nghiệp từng "lớn mạnh", nay đối diện khủng hoảng

Xi măng Công Thanh được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Công Lý nắm giữ 57,2% cổ phần, cùng các cổ đông lớn khác như CTCP Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai (10%) và Financiere Lafarge SA (5%).

Trải qua các giai đoạn tăng vốn, đến năm 2021, vốn điều lệ công ty đạt 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2024, vốn điều lệ giảm mạnh còn 900 tỷ đồng, phản ánh sự thu hẹp quy mô và tiềm lực tài chính.

Hiện tại, Xi măng Công Thanh sở hữu một nhà máy tại Thanh Hóa, gồm 2 dây chuyền sản xuất chính: dây chuyền 1 sản xuất clinker và dây chuyền 2 sản xuất cả clinker và xi măng. Ngoài ra, công ty được cấp quyền khai thác một số mỏ khoáng sản tại Thanh Hóa như mỏ đá vôi (73,88ha), mỏ đất sét (133,4ha) và mỏ đá bazan (5,49ha).

Với tình trạng lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu âm nặng và áp lực tài chính ngày càng gia tăng, Xi măng Công Thanh đang đối diện với tương lai bất định. Việc tái cấu trúc toàn diện và cải thiện hiệu quả kinh doanh là yếu tố sống còn nếu công ty muốn tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường xi măng.

>> "Chúa Chổm" Xi măng Công Thanh lấy tiền đâu làm "rì-sọt" tại Thanh Hóa?

Liên tục thua lỗ, gạo Trung An (TAR) tuyên bố giải thể 2 công ty con

Vay tiền đi buôn đất nhưng thua lỗ, nữ cán bộ ngân hàng nghĩ kế chiếm đoạt 23 tỷ đồng, kết cục lĩnh án 18 năm tù

Theo Kinh tế Đô thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/phan-tich/xi-mang-cong-thanh-no-7300-ty-dong-tien-mat-chi-con-15-ty-von-chu-am-nang-vi-lo-luy-ke-131896.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xi măng Công Thanh: Nợ 7.300 tỷ đồng - tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ, vốn chủ âm nặng vì lỗ lũy kế
    POWERED BY ONECMS & INTECH