Xi măng vẫn khó tiêu thụ, HT1 sụt giảm lợi nhuận
Sản lượng tiêu thụ xi măng giảm, cùng với chi phí tài chính tăng, chủ yếu do tăng lãi suất vay và dư nợ vay, khiến lợi nhuận quý II/2023 của HT1 sụt giảm 57% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1) ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 2.135 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là doanh thu đến từ xi măng, clinker với hơn 2.129 tỷ đồng. Doanh thu còn lại là từ cát ISO và doanh thu khác hơn 5,3 tỷ đồng. HT1 chiết khấu thương mại 136 tỷ đồng. Do đó, doanh thu thuần còn lại gần 1.999 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 42% lên 463 triệu đồng. Đi cùng với đó là chi phi cho hoạt động này cũng tăng 9%, lên gần 40 tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí lãi vay với hơn 34,6 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỷ. Các chi phí khác như chi phí bán hàng hơn 42 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 61 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 12% so cùng kỳ. Kết quả, sau khi trừ chi phí, HT1 báo lãi ròng gần 59 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân lợi nhuận quý II/2023 sụt giảm là do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm so với quý II/2022. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng, chủ yếu do tăng lãi suất vay và dư nợ vay.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc HT1 Lưu Đình Cường chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2023 là hết sức khó khăn, sản lượng của Công ty giảm 20% so với cùng kỳ. Nhu cầu xây dựng rất lớn nhưng sức cầu rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 và lạm phát.
Do đó, HT1 đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.987 tỷ đồng và 276 tỷ đồng lãi sau thuế cho năm 2023. Kế hoạch được đề ra trong bối cảnh HT1 dự báo 2023 sẽ vẫn là năm khó khăn của thị trường xi măng Việt Nam với các dự án có tiêu thụ xi măng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng dự kiến tăng trong năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp ngành xi măng này ghi nhận đạt gần 3.690 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng gần 27 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 167 tỷ đồng.
Với kết quả thực hiện được trong 6 tháng đầu năm, HT1 mới chỉ thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và chưa có lợi nhuận của năm 2023.
Tại 30/6/2023, tổng tài sản của HT1 đạt gần 9.120 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, HT1 nắm giữ 338 tỷ đồng tiền mặt, giảm một nửa so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn với 15,3 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần gấp đôi với gần 968 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho giảm 14%, còn 897 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng nhẹ 2%, lên 1.053 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của HT1 còn hơn 4.179 tỷ đồng, giảm 2% so đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, chiếm hơn một nửa là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với hơn 2.142 tỷ đồng; doanh nghiệp không có khoản vay tài chính dài hạn.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ xi măng đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022). Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.
Theo đánh giá của Chứng khoán KIS Việt Nam, sản lượng xi măng trong năm 2023 sẽ không có nhiều đột biến, nhu cầu nhập khẩu toàn cầu có thể không cải thiện đáng kể. Trong khi đó, lãi suất vay cao và các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp có thể làm tin hoãn hoạt động xây dựng và nhu cầu xi măng trong nước.
Tại Tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng - những điểm nghẽn và giải pháp” diễn ra hồi giữa tháng 6 vừa qua, ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất đối với ngành xi măng hiện tại là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc nghẽn đầu ra, trong đó, có sự tắc nghẽn trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, chi phí đầu vào và logistic tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Trong khi đó, các giải pháp giảm chi phí, nguồn hỗ trợ từ chính sách như sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu, điện thay thế thì khó khăn về thủ tục triển khai, ưu đãi vay vốn thuế các ưu đãi khác của Nhà nước... Ngoài ra, thuế xuất khẩu clinker tăng cũng dần tới gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xi măng Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, nhờ nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ. Trong đó, đầu tư công sẽ đóng vai trò là động lực chính hỗ trợ chi tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có nhiều kỳ vọng sẽ ấm trở lại khi hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thị trường này đã được Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương ráo riết thực hiện. Đặc biệt là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho Nhà ở xã hội, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước.
Doanh nghiệp lớn nhất ngành xi măng báo lỗ 1.400 tỷ đồng năm 2024 
Xi măng Hà Tiên (HT1): Lợi nhuận quý III tăng vọt, vượt kế hoạch sau 9 tháng