Chứng khoán Aseansc dự báo, trong phiên giao dịch 24/9/2021, áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.345 - 1.350 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.335 - 1.340 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Tổng quan phiên 23/9:
Trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed có thể cắt giảm nhịp độ mua tài sản ngay trong "cuộc họp kế tiếp", tức cuộc họp diễn ra vào ngày 2 - 3/11/2021. Với thông tin này thì tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối thận trọng. VN-Index mở cửa ngày giao dịch 23/9/2021 tăng hơn 8 điểm. Tuy nhiên, lực bán xuất hiện áp đảo lực mua về cuối phiên khiến chỉ số đánh mất hầu hết số điểm tăng trước đó.
Tích cực hơn VN-Index, VN30-Index kết thúc giao dịch tăng 0,34% đạt mức 1,458.23 điểm. Các cổ phiếu trong rổ có sự phân hóa với 14 mã tăng, 13 mã giảm và 3 mã đứng giá. Dẫn đầu rổ VN30 là mức tăng ấn tượng của cổ phiếu MWG khi bật tăng mạnh 5%. Theo sau là các mã TPB tăng 3,6%, GAS tiến 2,5%, VHM tăng 1,7%. Ngược lại, BVH, MSN và PNJ là những cổ phiếu giảm mạnh nhất khi cùng giảm từ 1 - 2%.
Xét về mức độ ảnh hưởng đến VN-Index, MWG, VHM, GAS và VIC lần lượt là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất. Những mã này góp gần 5 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, MSN, DGC, VIB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Ngành bán lẻ có phiên giao dịch tích cực khi là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường. Nổi bật trong nhóm là cổ phiếu MWG bật tăng mạnh mẽ 5,01%, cùng với VGC tăng 1,89%, AST nhích nhẹ 0,56%. Ngược lại, FRT, CTF, HAX cùng giảm nhẹ xuống dưới tham chiếu.
- Ngành sản xuất hàng gia dụng có phiên giao dịch khá ảm đạm. Các cổ phiếu như TNG giảm mạnh 4,05%, GIL giảm 2,55%, TTF sụt giảm 1,44%, MSH và STK giảm giá nhẹ. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành cho hay, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 9,2% so với cùng kỳ, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đang đối mặt thực trạng thiếu đơn hàng cho sản xuất trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là thông tin tiêu cực cho nhóm cổ phiếu này.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,08 điểm (0,15%) lên 1.352,76 điểm; toàn sàn có 143 mã tăng, 253 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,41 điểm (-0,66%) xuống 361,01 điểm; toàn sàn có 91 mã tăng, 140 mã giảm và 46 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,37 điểm (0,39%) lên 98,03 điểm.
Phiên hôm nay có sự tham gia tích cực của dòng tiền. Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 29.529 tỷ đồng, tương đương hơn 1,3 tỷ cổ phiếu được mua bán. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt trên 23.300 tỷ đồng - tăng gần 23% so với phiên trước.
Khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng trên toàn thị trường, tổng giá trị bán ròng đạt 373 tỷ đồng. Thống kế cho thấy, HPG, KBC, DGC, MSN bị nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh trong khi ngược lại MBB và CTG, VND tiếp tục được mua ròng.
Nhận định phiên 24/9:
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc?
Thị trường diễn biến phân hoá ở các chỉ số khi chỉ số VNI-Index đóng cửa tăng nhẹ trên tham chiếu. Dòng tiền quay lại nhóm VN30-Index trong phiên 23/9 nhưng đà tăng chưa có sự lan toả khi GAS (+2,5%), MWG (+5%), TBP (+3,6%) ghi nhận mức tăng tích cực. Ngược lại, nhóm ngân hàng nhìn chung phân hoá và suy yếu trong khi MSN (-1,4%), BVH (-2%) ghi nhận áp lực bán trở lại.
Nhóm Mid-Cap và Small-Cap cũng bị chốt lời mạnh trong phiên hôm nay như HAC, JVC, APG, CSV, DGC giảm hết biên độ trong khi FLC (-4,2%), ITA (-3,2%), AMD (-3,7%) giảm giá.
Yuanta cho rằng, thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc do ảnh hưởng trực tiếp từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đồng thời các chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh ở một vài phiên tới. Đây là các nhịp điều chỉnh cần thiết sau chuỗi tăng mạnh trước đó. Ngoài ra, Yuanta tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp.
CTCK Mirae Asset: Thị trường vẫn trong xu hướng tích cực?
Nếu thị trường chứng khoán ở những phiên trước dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu penny và đầu cơ thì phiên 23/9 nhóm cổ phiếu này chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ của nhà đầu tư với nhiều mã cổ phiếu rơi vào trạng thái giảm sàn khi kết phiên. Ngược lại, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trong VN30 có phần khởi sắc hơn khi có đến 14 mã tăng điểm so với 13 mã giảm điểm.
Với việc vẫn giữ được sắc xanh vào cuối phiên trước áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư đã giúp cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index tiếp tục được tăng lên từ +4 lên mức +5 với trạng thái đánh giá khả quan. Mức P/E hiện tại đạt 16.4x.
CTCK Asean (Aseansc): Áp lực chốt lời vẫn hiện hữu
Thị trường phiên 23/9 ghi nhận một phiên tăng điểm nhẹ trong bối cảnh áp lực chốt lời có phần gia tăng, qua đó đẩy thanh khoản thị trường lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 24/9, áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.345 - 1.350 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.335 - 1.340 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Giảm tỷ trọng
VN-Index hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp, qua đó giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh trong phiên 23/9 lại gia tăng và kết hợp với mẫu hình nến thì có thể thấy là áp lực bán ra về cuối phiên là khá mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 400 tỷ đồng trên hai sàn cũng tạo ra áp lực lên thị trường chung.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 24/9, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.375 - 1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.350 điểm được giữ vững.
Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 24/9 
Phiên 24/9: Khối ngoại gom ròng trở lại, MBB được mua đột biến hơn 310 tỷ đồng