Xuất hiện nhiều yếu tố mới, Bộ Công Thương lấy ý kiến điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII 'mang tính động và mở'; tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến tham vấn về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Việc điều chỉnh này xuất phát từ nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện trong nước.
Những yếu tố mới tác động đến Quy hoạch điện VIII
Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VIII "mang tính động và mở", nhằm tối ưu hóa phát triển nguồn điện với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 đến nay, đã xuất hiện nhiều yếu tố mới có thể ảnh hưởng đến kế hoạch này:
- Quy hoạch không gian biển quốc gia
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15, đưa ra các chỉ tiêu về diện tích vùng biển có tiềm năng khai thác kinh tế, bao gồm dầu khí và điện gió. Cụ thể:
- Bắc Bộ: 2.245 nghìn ha.
- Trung Bộ: 18.671 nghìn ha.
- Đông Nam Bộ: 11.316 nghìn ha.
- Tây Nam Bộ: 2.400 nghìn ha.
Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, một trong những trọng tâm của Quy hoạch điện VIII.
- Điện hạt nhân
Ngày 25/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15, chính thức đồng ý tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với công suất dự kiến 4.600MW.
Việc bổ sung điện hạt nhân vào cơ cấu nguồn điện quốc gia có thể làm thay đổi chiến lược phát triển các nguồn năng lượng khác.
>> Thủ tướng giao tập đoàn EVN, PVN làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân 
- Biến động địa chính trị toàn cầu: Xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông và các biện pháp trừng phạt kinh tế khiến giá nhiên liệu nhập khẩu biến động mạnh, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất điện và thu hút đầu tư FDI vào ngành điện.
- Sự phát triển của công nghệ lưu trữ năng lượng: Chi phí của các hệ thống lưu trữ năng lượng đang giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để tích hợp thêm điện mặt trời và điện gió vào hệ thống điện.
- Nhiều dự án điện chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng, nhiều dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VIII đang gặp khó khăn trong triển khai, làm tăng nguy cơ thiếu điện.
Trong 13 dự án nhiệt điện khí LNG với tổng công suất 22.400MW, chỉ có 3 dự án (2.824MW) đang xây dựng theo đúng tiến độ gồm Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và Hiệp Phước. Nếu các dự án còn lại không ký được Hợp đồng Mua bán điện (PPA) và Hợp đồng cung ứng khí (GSA) trước năm 2026, việc vận hành trước năm 2030 sẽ rất khó khả thi.
Rủi ro với các dự án tuabin khí nội địa, cụ thể, các mỏ khí Báo Vàng và Cá Voi Xanh vẫn chưa xác định rõ trữ lượng và tiến độ khai thác, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ cho các dự án tuabin khí trong nước.
Dự án nhiệt điện than gặp trở ngại lớn. Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW) đã chính thức dừng triển khai; nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II (2.120MW) đã có văn chấm dứt hợp đồng BOT.
Bên cạnh đó, các dự án điện năng lượng tái tạo vẫn gặp khó khăn về cơ chế. Dù có tiềm năng lớn, các dự án điện mặt trời, điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, vẫn gặp trở ngại do:
- Quy trình lựa chọn nhà đầu tư chưa rõ ràng.
- Thiếu cơ chế giá cho một số loại hình điện tái tạo.
- Các dự án yêu cầu vốn đầu tư lớn và công nghệ phức tạp.
Ngoài ra, các dự án lưới điện chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Nhiều dự án trạm biến áp và đường dây truyền tải điện bị kéo dài do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp điện cho các khu vực trọng điểm.
Cần sớm điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Theo thống kê, không tính tới nguồn điện mái nhà hiện hữu, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc đến hết năm 2024 vào khoảng 75GW, đạt khoảng 50% tổng công suất đặt dự kiến đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII (khoảng 150GW).
Nếu so với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (giai đoạn đến 2025), khối lượng thực hiện tính đến hết năm 2024 đối với các loại hình nguồn điện như sau:
- Nhiệt điện than thực hiện được 1.432/1.432MW, đạt 100%;
- Điện gió trên bờ thực hiện được 883/4.663MW, đạt 19%;
- Thủy điện vừa và lớn thực hiện được 906/2.133MW, đạt 42%;
- Thủy điện nhỏ thực hiện được 569/1.585MW, đạt 36%;
Về truyền tải điện, đến năm 2024, toàn quốc có tổng cộng hơn 32.950MVA trạm biến áp 500-220kV và hơn 133.000km đường dây 500-220kV. Nhìn chung, lưới điện truyền tải toàn quốc cơ bản đáp ứng được nhu cầu truyền tải và cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn xuất hiện tình trạng đầy và quá tải cục bộ tại một số thời điểm do nguồn điện phát cao hoặc do gia tăng đột biến về nhu cầu phụ tải.
Hàng loạt thay đổi về nguồn cung, chính sách và tiến độ các dự án, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Bộ Công Thương cho rằng việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
>> Tập đoàn WPD của Đức muốn đầu tư dự án điện gió 4.600 tỷ đồng tại Việt Nam
Hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trong tháng 1/2025 
Trình Chính phủ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước 25/2/2025