Vĩ mô

Xuất khẩu 2025 đối mặt với những rủi ro nào?

Khúc Văn 02/02/2025 6:03

Nhận định về vấn đề xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia khẳng định xuất khẩu của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều rủi ro khi đa phần sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn.

Xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều thị trường khó tính

Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 với những kỳ vọng bứt phá từ các thị trường được mở rộng, Bộ Công Thương đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng trên 10% - 12% so với năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.

Bình luận về vấn đề xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, bước sang năm 2025, xuất khẩu Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, khi đa phần sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn.

Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 cán mốc kỷ lục. (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều thị trường khó tính. (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các thị trường lớn thường có khả năng thay đổi chính sách hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, vì thế đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn để duy trì kim ngạch cao.

“Cục xuất nhập khẩu tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu, để qua đó nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu”, ông Hải nói.

TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cũng cho rằng, năm 2025, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa có nhiều khả năng sẽ đạt con số cao hơn năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng trưởng trở lại.

Trong đó, dù những chính sách mới của Tổng thống Trump có thể tác động đến tình hình xuất khẩu song dự báo đây vẫn là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Dự báo về vấn đề xuất nhập khẩu của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 1.000 tỷ USD trong điều kiện "mưa thuận, gió hòa".

“Ngoài sức bật từ các FTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam "bắt nhịp" thương mại điện tử, công nghệ số, tạo sự bứt phá trong xuất nhập khẩu trực tuyến.

Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt

Để xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương), cho rằng, năm 2025, Cục xác định triển khai công tác XTTM theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Goldman Sachs tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong kinh tế ASEAN vào năm 2025
Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt.

“Tiêu chí của Cục XTTM trong năm 2025 xây dựng, thực hiện phát triển thị trường nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm đáp ứng về tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Chú trọng thực hiện công tác XTTM đối với các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu, qua đó góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế”, ông Phú nói.

Ẩn số lớn nhất, theo ông Phú không riêng với Việt Nam mà cả kinh tế toàn cầu, là chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hơn 110 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ bằng 1/10. Do đó, bất kỳ sự thay đổi thương mại thuế quan hay chính sách về tỷ giá nào từ quốc gia này cũng ngay lập tức tác động đến nền kinh tế.

Việc Mỹ dự kiến áp thuế 60% với hàng hóa Trung Quốc, 10-20% với Mexico và Canada cùng nguy cơ lạm phát sẽ tạo ra những thách thức lớn hơn cho thương mại toàn cầu. Các sản phẩm xuất khẩu ở các khu vực khác, gồm Việt Nam, sẽ chịu ảnh hưởng từ những chính sách này.

Trong đó, tác động tích cực đến từ các cơ hội giành thêm đơn hàng của Trung Quốc trong trường hợp nước này bị áp thuế cao. Ngược lại, doanh nghiệp Việt có khả năng bị ép giá đơn hàng hơn trước bởi mức thuế nhập khẩu vào Mỹ gia tăng.

Để giữ đà tăng tích cực trong lĩnh vực này, theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu cả trực tiếp và trực tuyến, đổi mới mô hình kinh doanh, đầu tư vào nghiên cứu phát triển, nhu cầu của khách hàng. Nhà điều hành cũng phải tìm cách đưa hoạt động thương mại đi theo lộ trình cụ thể, với những mặt hàng mạnh, chất lượng cao hơn.

>>FDI và đầu tư công: Cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2025

Hơn 400 tỷ USD hàng hóa được xuất khẩu, quốc gia nào là khách hàng lớn nhất của Việt Nam trong năm qua?

Một nhóm hàng lớn giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 8 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-2025-doi-mat-voi-nhung-rui-ro-nao-273924.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xuất khẩu 2025 đối mặt với những rủi ro nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH