Với kết quả này, xuất khẩu gạo Việt đã đảo chiều từ tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm sang tăng trưởng dương sau quý 1/2023.
Xuất khẩu gạo tháng 3 lập kỷ lục mới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3 của nước ta đạt kỷ lục 961.608 tấn, trị giá gần 509 triệu USD, tăng 80% về lượng và 78% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 81% về lượng và 93,5% về trị giá.
Với kết quả này, xuất khẩu gạo đã đảo chiều từ mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm sang tăng trưởng dương sau quý 1/2023, với khối lượng đạt 1,8 triệu tấn với giá trị lên đến 981,4 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với quý 1 năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu trong quý 1 năm nay đạt bình quân 529 USD/tấn, tăng 8,8% (tương đương 43 USD/tấn) so với cùng kỳ.
Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sang các thị trường chủ chốt như Philippines tăng 41 USD/tấn lên 504 USD/tấn; Trung Quốc tăng 75 USD/tấn lên 585 USD/tấn… Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Pháp, Tây Ban Nha dao động ở mức khá cao từ 700 – 758 USD/tấn.
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất trong tháng 3 với khối lượng lên đến 491.279 tấn, trị giá 245,7 triệu USD, tăng 3,6 lần về lượng và gần 4 lần về trị giá so với tháng 3 năm ngoái. Lũy kế đến hết quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 893.254 tấn, trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và 44,8% về giá trị so với cùng kỳ.
Philippines chiếm 48,2% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng so với mức 44,7% của quý 1 năm ngoái.
Cũng trong tháng 3 xuất khẩu gạo sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh 94,4% so với cùng kỳ, lên mức 187.746 tấn. Tính chung quý 1, xuất khẩu gạo sang thị trường này đã tăng tới 90,7% lên 340.385 tấn, chiếm 18,4% tổng xuất khẩu gạo của cả nước.
Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý 1 tăng đột biến 11.793% lên mức 148.587 tấn và trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của nước ta.
Xuất khẩu gạo cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao ở một số thị trường như Mozambique, Đài Loan, Tanzania, Chile…, trong khi giảm ở những thị trường Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà
Nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong quý 2?
Trong báo cáo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 lên mức 7,1 triệu tấn, cao hơn 300.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng nhẹ so với 7,05 triệu tấn của năm 2022. Sự điều chỉnh này chủ yếu là do nhu cầu gia tăng từ Indonesia. Đây được coi là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên.
Thị trường Trung Quốc hiện đang có nhu cầu cao đối với gạo nếp và dòng gạo thơm ST21, ST24, ST25 của Việt Nam sau khi nước này mở cửa trở lại.
Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia.
Bộ Nông Nghiệp Philipines đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với nguồn cung gạo của đất nước khi hiện tượng thời tiết El Nino có khả năng xuất hiện vào quý 3/2023 và kéo dài đến năm 2024. Philippines cần có lượng gạo tồn kho dự trữ ít nhất là 52 ngày. Nếu tình trạng nguồn cung gạo thiếu hụt, nước này có thể phải tăng nhập khẩu.
Dữ liệu mới nhất của Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 3 tháng đầu năm nay đạt 744.253 tấn. Trong đó, có đến 88% tương đương 653.875 tấn được nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 53.035 tấn, Thái Lan 33.880, Ấn Độ 1.784 tấn...
Còn với Indonesia, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất có thể.
USDA dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2023 sẽ vào khoảng 1,75 triệu tấn, gấp 2,3 lần so với năm 2022. Nhập khẩu gạo chỉ chiếm 5% tổng tiêu thụ của Indonesia nhưng chính sách này có tác động lớn đến dòng chảy thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), trong 2 tháng đầu năm nay Indonesia đã nhập khẩu tổng công 456.375 tấn gạo, chủ yếu đến từ Thái Lan (241.255 tấn) và Việt Nam (153.197 tấn).
Như vậy, với việc nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay, Việt Nam và Thái Lan nhiều khả năng sẽ vẫn là hai thị trường cung cấp gạo chính cho Indonesia trong thời gian tới.
Vừa lập ‘cú đúp’ kỷ lục lịch sử, gạo Việt lại có diễn biến bất ngờ 
Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu