Doanh nghiệp

Xuất khẩu thu về hơn 26 tỷ USD, doanh nghiệp dệt may được giải cứu?

Thảo Đan 21/09/2023 - 06:21

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, hoàn thành 65% mục tiêu trong năm 2023.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Thống kê cho thấy tất cả mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt 20,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ và chiếm 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm.

Trước đó, tại cuộc họp chuyên đề tháng 8 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau 7 tháng đầu năm, chỉ có xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 3% so với cùng kỳ khi đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản sẽ tiếp đà tăng của nửa đầu năm, thế nhưng có thể chịu ảnh hưởng của việc giảm giá 5-7% vì đồng Yên tiếp tục mất giá theo dự báo của JP Morgan.

Mặt khác, các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, và Hàn Quốc đều giảm lần lượt 10%, 24% và 8% so với cùng kỳ. Dù thị trường Trung Quốc có tháng 7 ghi nhận tăng trưởng tốt, tuy nhiên vẫn giảm 10% khi tính tổng 7 tháng so với năm ngoái.

Theo Vinatex, lực cầu thấp của ngành dệt may có thể kéo dài sang năm sau. Những tháng cuối năm nay, thị trường chưa có động lực tăng với tổng cầu có thể chỉ tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội vào cuối năm.

Vinatex kỳ vọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ nửa cuối năm sẽ tăng 10% so với nửa đầu năm, từ đó kim ngạch nhập khẩu cả năm 2023 của thị trường Mỹ có thể đạt tới 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm trước.

Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023.

SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, chuyên gia SSI cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập, sắp vận hành nhà máy mới với công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm/năm

Tổng kết năm, các doanh nghiệp dệt may đua nhau báo lãi lớn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-thu-ve-hon-26-ty-usd-doanh-nghiep-det-may-duoc-giai-cuu-201658.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xuất khẩu thu về hơn 26 tỷ USD, doanh nghiệp dệt may được giải cứu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH