Xuất khẩu thủy sản tăng tốc để cán mốc 10 tỷ USD
Dự báo những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ bước vào chu kỳ tăng tốc như thường lệ cũng là thời điểm các doanh nghiệp tăng ca để đáp ứng đơn hàng của đối tác. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024.
Những tín hiệu tích cực
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản  đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Đơn cử như: tôm đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6%; cá ngừ đạt 477 triệu USD, tăng 25%.
Điều đáng mừng là xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan khi bước sang đầu quý III/2024 khi nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Trong đó, top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ (đạt 733 triệu USD, tăng 9%), tiếp đến là Trung Quốc (đạt 766 triệu USD, tăng 7%), EU (đạt 513 triệu USD, tăng 12%).
Phân tích về những nguyên nhân giúp xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết: trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, nhiều DN thủy sản đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, EU.
Đặc biệt, DN chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng với tính cạnh tranh cao, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe khi xuất vào thị trường Mỹ và EU.
VASEP cũng khuyến cáo DN cần đẩy mạnh hợp tác với nông dân, hợp tác xã thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh và kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch.
Về thị trường Trung Quốc, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, tại thị trường 1,4 tỷ dân này, Ecuador là nhà cung cấp tôm chiếm thị phần rất lớn nhưng chủ yếu là tôm dưới dạng nguyên liệu. Trong khi đó, sản phẩm tôm Việt Nam lại rất đa dạng, có thế mạnh là sản phẩm chế biến và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có nhiều lựa chọn. Hay như EU, thị trường này đang có xu hướng ổn định cả về giá bán thị trường và tiêu dùng. Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU tiếp tục tăng từ nay cho đến cuối năm 2024.
Tận dụng lợi thế, khai thác dư địa thị trường
Nhiều chuyên gia nhận định, lợi thế lớn nhất của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.
Để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay, các DN cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. DN phải thực hiện song song việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tránh sự phụ thuộc, cũng như mở rộng thị trường mới, hướng đến phát triển thị trường nội địa.
Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc
Ngoài ra, theo dự báo của các các DN thủy sản, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Việc đảm bảo chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sớm cán đích 10 tỷ USD.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kinh tế Mỹ năm nay có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Mỹ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm 2024. Dự báo Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, do đó sẽ có cơ hội tốt cho tăng tiêu dùng thủy sản.
Với những lợi thế nêu trên, Bộ NN&PTNT và VASEP đều kỳ vọng năm 2024 tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 đạt 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Cụ thể, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, DN tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
>> Cảnh báo thẻ vàng IUU là rào cản lớn nhất của thủy sản Việt Nam 
Mở màn KQKD quý II/2024 ngành thuỷ sản, doanh nghiệp sàn HoSE báo lỗ đậm 
Một công ty thủy sản sắp nhân đôi vốn điều lệ, lợi nhuận quý II/2024 ước tăng 2,5 lần