12 nhóm chuyên gia an toàn thông tin sắp thi chung kết ISITDTU CTF 2023

04-12-2023 15:04|PV

Vượt qua 257 đội thi trên toàn thế giới, ngày 10/12, tại Đà Nẵng, 12 đội sinh viên, chuyên gia an toàn thông tin sẽ tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF 2023.

Cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF là hoạt động thường niên được trường Đại học Duy Tân tổ chức từ năm 2018.

Cuộc thi không chỉ dành cho những chuyên gia trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng mà còn dành cho các sinh viên trong nước và quốc tế đam mê lĩnh vực an toàn thông tin.

Ngoài chuyên môn, cuộc thi ISITDTU CTF còn là nơi để các thí sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phát triển sự nghiệp lĩnh vực an toàn thông tin mạng, chung tay xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh hơn.

W-cuoc-thi-an-toan-thong-tin-mang-quoc-te-1-1-1.jpg
Được tổ chức định kỳ từ năm 2018 đến nay, cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF có sự góp mặt của nhiều đội thi quốc tế. (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Năm nay, cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF 2023 được sự bảo trợ của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA.

Cuộc thi diễn ra theo 2 vòng, trong đó vòng loại đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 14/10 và 15/10, với 257 đội thi trên khắp thế giới tham dự, tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Kết thúc vòng loại, Ban Tổ chức đã chọn ra 12 đội có thành tích cao nhất, gồm 6 đội Việt Nam và 6 đội quốc tế, giành quyền tham dự vòng chung kết của Cuộc thi diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Dự kiến, được tổ chức trực tiếp vào ngày 10/12 tới, vòng chung kết cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF 2023 sẽ kéo dài trong 8 giờ liên tục, theo hình thức ‘Tấn công và phòng thủ’.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi an toàn thông tin quốc tế ISITDTU CTF 2023 sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo sinh viên an toàn thông tin khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cuộc thi này cũng nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới thúc đẩy các hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam thuộc Đề án ‘Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025’ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2021.

W-doi-sinh-vien-viet-nam-1-1-1.jpg
Trung tuần tháng 11/2023, đội sinh viên Đại học CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội đã mang về cho Việt Nam giải Nhì cuộc thi an toàn thông tin Cyber SEA Game 2023. (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Trong năm nay, các đội Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế và khu vực về an toàn thông tin đã tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao, tiêu biểu là: Nhóm chuyên gia an toàn thông tin mạng Viettel giành giải Nhất cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới Pwn2Own Toronto 2023 tại Canada; đội sinh viên Đại học CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội đạt giải Nhì cuộc thi kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng dành cho đối tượng trẻ của ASEAN - Cyber SEA Game 2023; 3 đội sinh viên đến từ các trường Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Duy Tân đạt 2 giải Nhất, 1 giải Nhì cuộc thi an ninh mạng Đông Nam Á - ASEAN Cyber Shield 2023.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nhận định: Những thành tích ấn tượng kể trên cho thấy nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng của Việt Nam, nhất là các chuyên gia và các sinh viên có chất lượng rất cao, tự tin khi tham gia các đấu trường quốc tế.

Điều này cũng đánh dấu bước phát triển mới trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam.

Tại Đề án ‘Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025’, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin là nội dung quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin.

Đồng thời, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số  nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về an toàn thông tin theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế.

Đề án cũng xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung, bao gồm: Đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; Đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước;

Chuẩn hóa kỹ năng an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức; Đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về an toàn thông tin ở nước ngoài; Đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin trong nước; Đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân; Đào tạo an toàn thông tin theo cơ chế xã hội hóa; Tổ chức điều phối thực hiện Đề án; Bảo đảm nguồn lực triển khai Đề án.

‘Rộ’ chiêu trò mạo danh doanh nghiệp lừa tuyển cộng tác viên dịp cuối năm

Hơn 46% tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công mạng trong năm nay

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/12-nhom-chuyen-gia-an-toan-thong-tin-sap-thi-chung-ket-isitdtu-ctf-2023-2222717.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    12 nhóm chuyên gia an toàn thông tin sắp thi chung kết ISITDTU CTF 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH