18/25 chủ nợ "gật đầu", Công ty luyện cán thép GS được phá sản

03-11-2022 05:26|Yến Hoàng

Công ty luyện cán thép GS đã nhiều lần tái cơ cấu nhưng không có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. Công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2013 đến nay.

Theo quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần luyện cán thép GS là một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá và hoạt động theo hình thức Công ty Cổ phần năm 2006. Trong quá trình hoạt động Công ty đã nhiều lần tái cơ cấu nhưng không có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. Công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2013 đến nay.

Hiện tại Công ty không còn nhà xưởng, máy móc, tư liệu sản xuất, không còn trụ sở để hoạt động.

Ngày 17/9/2018 đại diện Công đoàn Công ty cổ phần luyện cán thép GS và đại diện cho nhóm người lao động có quyền lợi liên quan đến chế độ của người lao động của Công ty có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc.

Tại Hội nghị chủ nợ ngày 30/6/2022, có 18/25 chủ nợ có mặt, đại diện cho gần 90% tổng số nợ không có bảo đảm nhất trí tán thành, đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định tuyên bố phá sản đối với Công ty cổ phần luyện cán thép GS.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Phá sản, Hội nghị chủ nợ đã thông qua Nghị quyết về việc tuyên bố phá sản đối với Công ty cổ phần luyện cán thép GS, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật phá sản năm 2014.

Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên bố phá sản đối với Công ty cổ phần luyện cán thép GS. Đi kèm quyết định này, Công ty luyện cán thép GS bị đình chỉ các giao dịch liên quan. Đồng thời, các khoản nợ của GS đối với các chủ nợ được chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi kể từ ngày15/7/2022.

Tài sản của công ty tại thời điểm tòa án ban hành quyết định tuyên bố phá sản gồm:

-20,6 tỷ đồng là tiền hình thành từ bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp để trả nợ Vietinbank.

-Tài sản cố định có giá tạm tính gần 7,7 tỷ đồng

-Vật tư máy móc thiết bị, sắt thép phế…có giá trị tạm tính khoảng 4,5 tỷ đồng

-Tòa án đồng thời xác định các tài sản gồm: 01 sân tennis, diện tích 770 m2; 1 Nhà hội trường, diện tích 660,6 m2; 01 nhà vệ sinh, diện tích 45,7 m2; 01 tường rào xây gạch diện tích 38 m2; 11 cây xanh các loại, đường kính từ 20-80 cm trên thửa đất số 80, tờ bản đồ số 51, diện tích 5.358,3 m2 UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần luyện cán thép GS ngày 11/9/2007, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thái Nguyên đăng ký biến động chuyển quyền sở hữu cho Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng ngày 01/9/2016 là tài sản của Công ty cổ phần luyện cán thép GS.

Về mặt nợ, đáng chú ý công ty luyện cán thép GS có tổng số nợ phải trả là:

-Khoản nợ có bảo đảm là 33,75 tỷ đồng

-Khoản nợ không có bảo đảm là 112,12 tỷ đồng trong đó nợ chế độ cho người lao động hơn 18 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội gần 11,5 tỷ đồng, nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước là 44,12 tỷ đồng, nợ khác là 38,5 tỷ đồng.

Tòa án đồng thời ra quyết định phương án phân chia giá trị tài sản sau khi tuyên bố phá sản gồm:

-Trả cho Vietinbank 8,36 tỷ đồng số tiền lãi chậm thi hành án được trích từ tiền bán tài sản đảm bảo.

-Tòa án Giao cho Công ty TNHH Một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (đại diện ủy quyền Ngân hàng TMCP Đông Á) để xử lý theo quy định của pháp luật thửa đất diện tích 1.299,5 m2 và tài sản gắn liền trên đất được UBND TP TN cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông (bà) Lê Xuân Hộ năm 2004. Ông H bà O đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Đông Á để đảm bảo cho khoản nợ của Công ty cổ phần luyện cán thép GS. Gồm nợ gốc: 8 tỷ đồng, khoản tiền lãi phát sinh đến ngày 30/06/2021 là gần 17,4 tỷ đồng và khoản tiền lãi tiếp theo từ ngày 30/6/2021 cho đến ngày Toà án ra quyết định tuyên bố phá sản. Khoản tiền cụ thể ông H, bà O trả cho Ngân hàng TMCP Đông Á thay cho GS từ tiền xử lý tài sản bảo đảm được phân chia theo thứ tự phân chia tài sản của khoản nợ không có bảo đảm. Số tiền bán đấu giá tài sản thế chấp sau khi thanh toán nếu còn thừa được trả lại cho ông H, bà O.

Số tiền thanh lý tài sản, bán đấu giá tài sản còn lại và số tiền thu được của người mắc nợ của Công ty cổ phần luyện cán thép GS được phân chia theo thứ tự phân chia tài sản như sau:

-Chi phí phá sản

-Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, các khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

-Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ không có bảo đảm của người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

-Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định trên mà vẫn còn thì thuộc về các cổ đông của Công ty tương ứng theo tỷ lệ vốn góp.

Luật sư Nguyễn Huy Độ: Người dân sẽ thiệt hại nếu rút tiền gửi trước hạn, luật pháp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/1825-chu-no-gat-dau-cong-ty-luyen-can-thep-gs-duoc-pha-san-156418.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    18/25 chủ nợ "gật đầu", Công ty luyện cán thép GS được phá sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH