Luật sư Nguyễn Huy Độ: Người dân sẽ thiệt hại nếu rút tiền gửi trước hạn, luật pháp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

11-10-2022 10:38|Thuỳ Linh

Theo luật sư Nguyễn Huy Độ, luật pháp sẽ bảo về quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng nói chung và SCB nói riêng. Việc rút tiền gửi trước hạn sẽ khiến người dân chịu thiệt.

Vào ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn. Cũng giống như một số vụ việc tương tự xảy ra trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng là sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Huy Độ (Tổng giám đốc Công ty luật TNHH BFB) cho biết, nếu người dân rút tiền trước hạn, họ sẽ chịu thiệt hại, không những thế còn gây thêm phần khó khăn cho cả hệ thống ngân hàng.

Phân tích sâu những thiệt hại của người gửi tiền nếu rút tiền trước thời hạn, Luật sư Nguyễn Huy Độ chia sẻ, căn cứ theo Điều 155 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (Sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phá sản Tổ chức tín dụng thì hiện nay pháp luật cho phép tất cả các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể thực hiện thủ tục phá sản: “Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.” 

Tuy nhiên, ông Độ cho biết: "Từ trước đến nay chưa có một ngân hàng nào thực hiện thủ tục phá sản kể cả một số ngân hàng hoạt động yếu kém thì ngân hàng nhà nước cũng cơ cấu lại, mua lại với giá 0 đồng nên quyền lợi của Người gửi tiền vẫn hoàn toàn được đảm bảo. Ví dụ như đối với trường hợp trước đây cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB – ông Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên bị bắt thì Ngân hàng ACB vẫn hoạt động bình thường và vẫn bảo đảm quyền lợi cho người gửi."

z3789722440599_e87f1a8f1d2989f6cf80d5a73532ad3b(1).jpg
Luật sư Nguyễn Huy Độ

Bên cạnh đó, người gửi tiền lo ngại nếu như một ngân hàng tiến hành phá sản thì người gửi tiền chỉ nhận được 125 triệu đồng tiền bảo hiểm, Luật sư Độ cho hay, vào ngày 20/10/2021 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2021/QĐ-Ttg quy định về hạn mức trả Bảo hiểm tiền gửi đã tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đó số tiền bảo hiểm tiền gửi đã tăng lên 125 triệu tức tăng 50 triệu so với quy định trước đây. Theo quy định trên thì trong trường hợp một tổ chức tín dụng phá sản thì người gửi tiền sẽ được nhận tối đa số tiền là 125 triệu đồng tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang nhầm lẫn về vấn đề này do không hiểu về quy trình phá sản của một Tổ chức tín dụng.

Do đó, chúng ta cần hiểu một cách đơn giản rằng, một ngân hàng khi bắt đầu hoạt động thì không chỉ có tài sản là tiền gửi của người gửi tiền mà ngân hàng còn có các tài sản riêng của ngân hàng trong đó gồm có vốn góp của các thành viên góp vốn, các tài sản khác….

Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật phá sản 2014 quy định về Thứ tự phân chia tài sản khi một tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản như sau:

1. Chi phí phá sản;

2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

3. Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Như vậy, sau khi trừ các chi phí thực hiện thủ tục phá sản, Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, khoản tiền còn lại sẽ được thanh toán cho các khoản tiền gửi, khoản tiền bảo hiểm tiền gửi phải gửi cho những Người gửi tiền tại tổ chức tín dụng.

Vì vậy, trong trường hợp một ngân hàng thực hiện thủ tục phá sản, người gửi tiền không chỉ nhận được duy nhất một khoản tiền bảo hiểm tiền gửi mà còn được nhận lại khoản tiền gửi mà người gửi tiền đã gửi tại Ngân hàng.

Tuy nhiên, rất khó để một ngân hàng thực hiện thủ tục phá sản bởi như Luật sự Độ đã chia sẻ ở trên, hiện nay chưa có bất kỳ một ngân hàng nào thực hiện thủ tục phá sản, trường hợp một ngân hàng yếu kém cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước thu mua bởi vì khi chỉ một tổ chức tín dụng phá sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các Ngân hàng.

Vừa qua, trong các tin đồn khiến người dân hoang mang đi rút tiền tại Ngân hàng SCB, đại diện Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định trong mọi tình huống sẽ duy trì hoạt động ổn định liên tục cho SCB và đảm bảo cho tiền gửi của người dân.

Như vậy, theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Huy Độ thì thời điểm này người gửi tiền nên cân nhắc và thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi tại SCB để đảm bảo quyền lợi, nhất là với những khoản tiền có kỳ hạn.

Nếu rút trước hạn, người gửi tiền sẽ mất đi khoản lãi đáng ra mình được hưởng bời có rất nhiều Người gửi tiền thực hiện gửi tiền có kỳ hạn tại Ngân hàng SCB nếu rút tiền trước thời điểm tất toán sẽ dẫn đến việc Người gửi tiền sẽ không nhận được khoản tiền lãi này, khi đó Ngân hàng SCB mới là tổ chức được hưởng lợi.

SCB là ngân hàng được cấp phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2012.

SCB là ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản lên đến 762.000 tỉ đồng, tính đến hết quý 2/2022, chỉ đứng sau các BIDV, VietcomBank, VietinBank và AgriBank. Ngân hàng hiện có vốn chủ sở hữu hơn 23.000 tỉ đồng và hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước.

“Con nợ” lớn nhất của SCB vẫn là ẩn số

Sacombank (STB) phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dài hạn, lãi suất 7,1%/năm

13 tài sản của bà Trương Mỹ Lan chưa bị phong toả, tòa nhà tỷ USD được rao bán để khắc phục hậu quả cho SCB

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/luat-su-nguyen-huy-do-nguoi-dan-se-thiet-hai-neu-rut-tien-gui-truoc-han-luat-phap-bao-ve-quyen-loi-nguoi-gui-tien-152821.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Luật sư Nguyễn Huy Độ: Người dân sẽ thiệt hại nếu rút tiền gửi trước hạn, luật pháp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
    POWERED BY ONECMS & INTECH