Sống

2.000 hồ sơ chỉ chọn được 100 và chuyện ‘thừa thầy thiếu thợ’

Văn Thiêng 17/11/2023 - 07:33

Trong số gần 2000 hồ sơ ứng tuyển là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, suất sắc mà chỉ có 100 sinh viên đạt yêu cầu tuyển dụng.

Thêm một lần nữa, câu chuyện sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lại được đặt lên bàn nghị sự trong nỗ lực tìm thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tình trạng nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng xảy ra đã lâu, khiến chuyện “thừa thầy thiếu thợ” đã trở thành lời than cửa miệng mà xã hội đã dành cho ngành giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng suốt nhiều năm qua, đặc biệt với sự phát triển của các trường đại học dân lập, đại học địa phương như nấm sau mưa.

Việc huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động đào tạo đại học, mở ra nhiều cơ hội học tập cho sinh viên, góp phần đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho đất nước. Đó là mặt tích cực.

Nhưng ở góc độ khác, việc phát triển ồ ạt hàng trăm trường đại học thuộc nhiều loại hình lại chưa được chuẩn bị kỹ cả về cơ sở vật chất, con người, cả nhân lực hoạt động chuyên môn, bộ máy quản lý nhưng đã tạo ra cuộc đua mở ngành, tìm mọi cách vơ vét sinh viên,…khiến chất lượng đào tạo không được đảm bảo.

Tình trạng dạy học theo lối “đọc - chép”, “nhìn - chép” vẫn phổ biến ở rất nhiều trường. Ngay ở một số trường đại học trọng điểm, một giảng viên phải dạy trên 1.000 giờ/ năm, thậm chí 2.000 giờ/năm không còn là cá biệt, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội

Do tỷ lệ giảng viên/sinh viên quá cao nên nhiều giảng viên phải chạy show giữa các cơ sở khác nhau, không còn thời gian dành cho nghiên cứu, cập nhật, nâng cao kiến thức, kể cả với không ít giảng viên có bằng tiến sĩ.

Điều bất thường nữa là gần 2/3 số người có học hàm, học vị cao chỉ làm cán bộ quản lý các cấp chứ không trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu để có thể truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Sinh viên tốt nghiệp.jpg
Sự liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học cần chặt chẽ và thực chất hơn để làm cầu nối cho đào tạo và tuyển dụng. Ảnh Tư liệu.

Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên trước chuyện 2.000 hồ sơ ứng viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và giỏi nhưng chỉ có 100 hồ sơ đạt yêu cầu tuyển dụng. Trong 100 hồ sơ ấy, chỉ có 3/4 ứng viên tự nhận thấy kiến thức học được chỉ đáp ứng khoảng 75% yêu cầu công việc; khoảng 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng 90% yêu cầu doanh nghiệp, theo lời Phó Giám đốc Học viện Viettel ông Dương Xuân Phượng dẫn chứng tại Hội thảo Giáo dục 2023 mới đây. Điều đó cho thấy, đang có bất cập rất lớn trong việc đánh giá sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học.

Thống kê của nhiều trường đại học về xếp loại sinh viên mấy năm gần đây cho thấy, sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc chiếm tỷ lệ khá cao, tới 70% ở nhóm các trường khối kinh tế; tỷ lệ này vào khoảng 30% ở nhóm các trường khối kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tăng lên chưa hẳn vì chất lượng đào tạo mà chủ yếu lại đến từ sự thay đổi trong cách đánh giá của các trường.

Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc là nguyên nhân của tình trạng sinh viên dù tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, khi đi làm vẫn phải đào tạo lại.

Làm thế nào để giáo dục đại học thực hiện được mục tiêu đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh?

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, phải quyết liệt kết nối cung cầu, đưa trường học đến gần với văn phòng, nhà máy, công trường, gắn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp với hoạt động đào tạo của các trường đại học để rút ngắn khoảng cách cung - cầu nhân lực.

Sự liên kết giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cần phải đi vào thực chất bằng việc hợp tác xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo phù hợp cho sinh viên, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ nhận sinh viên thực tập, kiến tập, hoặc tài trợ, trao học bổng cho sinh viên như hiện nay.

Để làm tốt sứ mạng đào tạo nhân lực cho đất nước của mình, giáo dục đại học phải là môi trường mẫu mực về “thực học”, “thực nghiệp”. Chương trình đào tạo đại học cần phải được cải tiến theo hướng không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn mà còn phải là kỹ năng, năng lực giao tiếp, khả năng phân tích, suy nghĩ độc lập, tinh thần sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Vân Thiêng

Thanh niên dùng AI xin việc: Gửi 1.000 đơn, nhận 50 lời mời phỏng vấn trong một đêm

Báo động: Hơn 40% doanh nghiệp toàn cầu dự định cắt giảm nhân sự do AI

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/2-000-ho-so-chi-chon-duoc-100-va-chuyen-thua-thay-thieu-tho-2215813.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    2.000 hồ sơ chỉ chọn được 100 và chuyện ‘thừa thầy thiếu thợ’
    POWERED BY ONECMS & INTECH