Thế giới

2 lựa chọn khó nhằn của Ukraine trước sức ép từ ông Trump

Thiên Kim 20/02/2025 - 15:16

Giữa lúc viện trợ từ Mỹ bị đe dọa, Kyiv đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục chiến đấu với nguồn lực hạn chế hoặc chấp nhận một thỏa thuận đầy bất lợi mà ông Trump có thể đạt được với Moscow.

Màn "quay xe" với Ukraine

Việc Donald Trump thay đổi lập trường với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khiến Kyiv rơi vào thế bí khi cuộc chiến với Nga bước sang năm thứ 4.

Giờ đây, ông Zelensky có thể sẽ phải tiếp tục chiến đấu mà không có sự hậu thuẫn từ Mỹ, đồng minh và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ukraine - mà thay vào đó, chỉ trông cậy vào sự hỗ trợ từ châu Âu.

Hoặc ông có thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà ông Trump đạt được trong quá trình đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Suốt nhiều tháng, ông Zelensky cố gắng duy trì thế cân bằng giữa việc tiếp cận Tổng thống Trump – người cam kết sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, và bảo vệ lập trường rằng Ukraine phải có mặt trong bất kỳ cuộc đàm phán nào dẫn đến một hiệp định hòa bình.

2 lựa chọn khó nhằn của Ukraine trước sức ép từ ông Trump - ảnh 1
Ông Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Yahoo News

Tuy nhiên, nỗ lực này ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ gọi điện cho ông Putin vào tuần trước mà chỉ thông báo cho ông Zelensky và các đồng minh Ukraine sau đó.

Hy vọng cuối cùng dường như đã tắt vào hôm 19/2, khi ông Trump lặp lại luận điệu của Điện Kremlin và gọi ông Zelensky là một "nhà độc tài".

Trên mạng xã hội, ông Trump cảnh báo lãnh đạo Ukraine rằng ông "tốt nhất nên nhanh chóng đạt thỏa thuận với Nga, nếu không sẽ không còn đất nước để mà bảo vệ".

Cùng với động thái tiếp cận ông Putin, những phát biểu này dường như đánh dấu sự quay lưng của ông Trump đối với chính sách hỗ trợ Ukraine lâu nay của Mỹ – dù nhiều người khác cho rằng có thể chỉ là chiến thuật đàm phán cứng rắn của ông.

Trong bài phát biểu tối hôm 19/2, ông Trump tiếp tục chỉ trích Tổng thống Ukraine, cáo buộc ông muốn kéo dài cuộc chiến đã tàn phá Ukraine và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Những nghị sĩ ủng hộ Kyiv tại Quốc hội Mỹ coi đây là hành động phản bội, trong khi các đồng minh châu Âu nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ với ông Zelensky. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy một động thái cụ thể để ngăn ông Trump đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Moscow.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk viết trên mạng xã hội: "Việc Ukraine bị ép đầu hàng cũng đồng nghĩa với sự đầu hàng của cả phương Tây, cùng tất cả hệ lụy kéo theo. Và đừng ai giả vờ như không thấy điều này".

2 lựa chọn khó nhằn của Ukraine trước sức ép từ ông Trump - ảnh 2
Ông Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv vào ngày 19/2. Ảnh: Tetiana Dzhafarova

Mục đích của ông Trump

Trong khi đó, giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận của vị Tổng thống.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz nói: "Ông Trump đang thúc đẩy quá trình này rất nhanh. Có thể một số người không thích cách ông ấy làm, nhưng để đàm phán, bạn phải nói chuyện với cả 2 bên – và đó chính là điều chúng tôi đang làm".

Hôm 18/2, Waltz là 1 trong 3 quan chức cấp cao được Tổng thống Mỹ cử đến Saudi Arabia để đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine hay các đồng minh châu Âu. Cho đến nay, ông vẫn chưa có động thái công khai nào nhằm cắt đứt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine.

"Hoàn toàn có khả năng ông Trump sẽ quyết định bỏ rơi Ukraine, và tôi nghĩ trong chính quyền của ông có những người muốn điều đó", Christopher Chivvis, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

Ông nói thêm: "Nhưng cũng có thể đây là một chiến thuật nhằm ép Ukraine nhượng bộ càng nhiều càng tốt, buộc Kyiv phải chấp nhận một thỏa thuận vô cùng khó khăn từ cuộc đàm phán với Nga".

2 lựa chọn khó nhằn của Ukraine trước sức ép từ ông Trump - ảnh 3
Các học viên tiến hành huấn luyện ở Kyiv, Ukraine vào tháng 1. Ảnh: Olga Ivashchenko

Hiện tại, quân đội Ukraine vẫn phụ thuộc vào Mỹ về tình báo, vũ khí và hỗ trợ tài chính. Dù các đồng minh châu Âu cũng cung cấp khí tài, họ không đủ năng lực quân sự và công nghiệp quốc phòng để thay thế vai trò của Mỹ.

"Thẳng thắn mà nói, nếu không có Mỹ, tình hình sẽ vô cùng khó khăn đối với chúng tôi", Tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Defence24 của Ba Lan.

Bên cạnh đó, những chỉ trích nhằm vào ông Zelensky được cho là nằm trong kế hoạch gây áp lực buộc Kyiv phải đồng ý trao cho Mỹ quyền khai thác tài nguyên khoáng sản trị giá hàng tỷ USD trong tương lai.

Tuần trước, ông Trump đã cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tới Ukraine để đề xuất một thỏa thuận, theo đó Kyiv sẽ nhượng lại một nửa giá trị tài nguyên và các nguồn lực khác để đổi lấy hỗ trợ kinh tế từ Mỹ.

Ông Zelensky đã bác bỏ đề xuất này vì thiếu thông tin chi tiết về gói hỗ trợ, gọi đây là "cuộc đàm phán không nghiêm túc". Dù vậy, ông vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng duy trì quan hệ "mang tính xây dựng" với Mỹ.

Theo Yahoo News

>> Ông Trump gọi ông Zelensky là ‘độc tài’, dọa không hành động nhanh sẽ mất Ukraine

Ông Zelensky phủ nhận Mỹ viện trợ 500 tỷ USD, EU duyệt gói trừng phạt Nga

Ukraine bị gạt ra khỏi bàn đàm phán, nguy cơ lớn xuất hiện khi ông Trump đảo lộn chính sách Mỹ - Nga?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/2-lua-chon-kho-nhan-cua-ukraine-truoc-suc-ep-tu-ong-trump-137160.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    2 lựa chọn khó nhằn của Ukraine trước sức ép từ ông Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH