Cơ hội 80 tỷ USD từ AI: Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực?
Chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội LinkedIn mới đây, ông Craig Martin, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dynam Capital, bày tỏ sự lạc quan về cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực AI.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành xu hướng không thể bỏ qua trong năm 2025, với tiềm năng tạo ra tăng trưởng kinh tế đột phá nhưng cũng kéo theo những biến động lớn trên thị trường lao động. Tuy nhiên, những quốc gia chủ động đón đầu AI sẽ có lợi thế hơn so với những nước chậm chân.
Tại Việt Nam, Chính phủ và doanh nghiệp đang triển khai chiến lược phát triển AI một cách thực tế và quyết liệt. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế mà còn mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định trên 6% trong những năm gần đây, ngay cả khi nhiều quốc gia trong khu vực chật vật vượt qua giai đoạn hậu Covid-19. Để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng này.
Theo báo cáo của Access Partnership do Google ủy quyền, các công cụ AI có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 80 tỷ USD vào năm 2030, tương đương khoảng 12% GDP của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.
Các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam đang vươn ra thị trường toàn cầu với các dịch vụ AI tiên tiến. FPT , doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong danh mục đầu tư của Quỹ Vietnam Holding Limited là một trong những ví dụ điển hình.
Doanh thu từ mảng dịch vụ CNTT quốc tế của FPT đã vượt 1 tỷ USD, với phần lớn khách hàng đến từ Nhật Bản. Tại đây, công ty đang hỗ trợ nhiều tổ chức, bao gồm các ngân hàng, ứng dụng AI để nâng cấp hệ thống vận hành.
Một tên tuổi khác, CMC, cũng đang mở rộng hoạt động tại 30 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Không chỉ các tập đoàn lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang tích cực ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Theo báo cáo của Access Partnership, 42% lợi ích từ AI sẽ thuộc về ngành sản xuất – lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ngành dịch vụ cũng không đứng ngoài cuộc, với 44% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã triển khai AI, theo ước tính của công ty tài chính Finastra. AI còn được ứng dụng rộng rãi trong y tế, nông nghiệp, xe điện, và nhiều lĩnh vực khác.
Các startup cũng đang chạy đua trong cuộc cách mạng AI. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng startup AI tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng ba năm, từ 2021 đến 2024.
Sự phát triển nhanh chóng của AI tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế. Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã quyết định mở trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, thể hiện niềm tin vào tiềm năng AI của quốc gia này.
Việt Nam cũng đặt tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Dù khó có thể cạnh tranh với Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận một số khâu trong chuỗi giá trị, từ thiết kế đến gia công sản xuất.
Dù có nhiều tiềm năng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong quá trình phát triển AI. Mặc dù có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao và hạ tầng internet khá tốt, hệ thống trung tâm dữ liệu và mạng lưới điện vẫn cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các ứng dụng AI.
Một trong những giải pháp đang được xem xét là thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Starlink – dịch vụ internet vệ tinh của Elon Musk. Nếu thành công, dự án này có thể cải thiện đáng kể khả năng kết nối dữ liệu tại các khu vực xa xôi, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của ngành hàng không và hàng hải nội địa.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của AI. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ này đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động trong việc xây dựng các quy định phù hợp.
Dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình số hóa và phát triển công nghiệp. Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp chủ lực.
Với sự đầu tư bài bản, chiến lược đúng đắn và tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng làn sóng AI để vươn lên trở thành một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực.

Ông Craig Martin đã có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Ông từng là Giám đốc Đầu tư và Trưởng phòng Vốn Tư nhân của Prudential Việt Nam (nay là Eastspring), nơi ông đã dẫn dắt nhiều khoản đầu tư quan trọng.
Trước đó, ông là thành viên sáng lập của nhóm vốn tư nhân Standard Chartered và từng điều hành một công ty tư vấn quản lý tại Đông Dương trong những năm 1990. Từ năm 2010 đến 2018, ông giữ vai trò đối tác quản lý và đồng giám đốc điều hành của CapAsia, một công ty quản lý vốn tư nhân chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi tại châu Á.
Năm 2018, ông gia nhập cùng ông Vũ Quang Thịnh đồng sáng lập Dynam Capital và dẫn dắt quỹ đầu tư này.