Thế giới

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0?

Thiên Kim 16/04/2025 10:35

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có, khi cả hai siêu cường đều tung đòn thuế quan dồn dập và khả năng thỏa hiệp vẫn rất thấp.

Tuần trước, thế giới chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang rất nhanh chóng. Không chỉ dừng lại ở những phát ngôn như tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” từ phía Trung Quốc hay những lời buộc tội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên thực sự đã có những hành động với mức thuế nhập khẩu lên tới 145%.

Theo The Economist, hiện không còn nhiều rào cản ngăn sự tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mục tiêu thực sự của ông Trump – người đang gây ra một trong những cú sốc lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong thời hiện đại – vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, ông dường như rất ít quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, mà bằng chứng rõ ràng nhất là quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với hàng chục quốc gia – trừ Trung Quốc.

Quan sát “thương chiến 1.0” (tức thời điểm 2018, khi ông Trump đang ở trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng) và thời điểm hiện tại, có thể thấy cách phản ứng của Trung Quốc đã thay đổi. Trước đây, các đòn áp thuế của ông Trump từng vấp phải phản ứng nhanh nhưng dè dặt từ Trung Quốc.

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: The Star

Bắc Kinh muốn thể hiện lập trường cứng rắn nhưng đồng thời cũng cố gắng tránh leo thang thêm, nhằm bảo vệ kinh tế nội địa và giữ cơ hội thương lượng. Giờ đây, tính toán đó dường như đã thay đổi.

Một phần lý do có thể là vì giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ đang nắm lợi thế và sẽ chiến thắng. Ông Trump muốn Trung Quốc hỗ trợ kiểm soát tiền chất fentanyl và giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine – những yêu cầu mang tính địa chính trị sâu sắc. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ không muốn bị xem là người “khai tử” TikTok – ứng dụng video ngắn do Trung Quốc sở hữu, rất phổ biến với giới trẻ Mỹ.

Tesla – hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk, hiện là cố vấn cho ông Trump – có thể trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương mà Trung Quốc có thể nhắm tới để trả đũa, bởi khoảng 20% doanh thu đến từ Trung Quốc.

“Đây là đòn bẩy cực lớn giúp quốc gia châu Á gây sức ép lên chính quyền Mỹ, trừ khi Elon bị yêu cầu rút lui”, bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Pháp Natixis nhận định.

Giới chức Trung Quốc cũng tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ khó trụ vững trước lạm phát và sự bất mãn xã hội do thuế quan của ông Trump gây ra. Thay vì “chiến đấu đến cùng”, họ có thể chỉ cần trụ vững cho đến khi giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Nhiều cố vấn cấp cao, nhà nghiên cứu Chính phủ và chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc xem đây là cách nhanh nhất buộc ông Trump phải ngồi vào bàn đàm phán. Một số thậm chí cho rằng Bắc Kinh có thể chủ động khuếch đại tác động, chẳng hạn như tăng giá đồng nhân dân tệ – một canh bạc lớn, bởi trong lúc Mỹ chịu lạm phát, chính Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với suy giảm công nghiệp và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0? - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Foreign Policy

Để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Một số chuyên gia so sánh tình hình hiện tại với cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–2009, thời điểm Trung Quốc triển khai gói kích thích lên tới 4.000 tỷ nhân dân tệ (590 tỷ USD).

Phó Thủ tướng Lý Cường hồi tháng 3 nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho “các cú sốc bên ngoài lớn hơn dự kiến” và sẵn sàng hành động để đảm bảo ổn định kinh tế.

Dù chưa rõ chính sách cụ thể sẽ ra sao, tờ Nhân dân Nhật báo ngày 6/4 cho biết các biện pháp như hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể được triển khai bất cứ lúc nào. Báo này cũng khẳng định chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong việc tìm thị trường mới, cả trong nước lẫn ngoài nước Mỹ.

Công ty chứng khoán Soochow Securities thậm chí gợi ý rằng Trung Quốc có thể giảm thuế nhập khẩu với các quốc gia khác, đồng thời tăng trợ cấp xuất khẩu để đối phó với Mỹ.

Trong khi thị trường toàn cầu rung lắc, Trung Quốc đã nhanh chóng can thiệp hỗ trợ. Ngày 7 và 8/4, các doanh nghiệp nhà nước đã vào thị trường để mua cổ phiếu. Nhờ động thái này, chỉ số CSI 300 tại Thượng Hải đã tăng 1,7% trong ngày 8/4.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại các biện pháp hỗ trợ kinh tế thực tế sẽ đến muộn và mang tính đối phó hơn là chủ động – chỉ được triển khai khi tăng trưởng đã giảm mạnh. Theo ông Larry Hu từ ngân hàng Macquarie, “tình hình có thể tồi tệ hơn trước khi khá lên”.

Một thách thức lớn khác đối với ông Tập là liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận tách rời hoàn toàn khỏi kinh tế Mỹ hay không. Dù Bắc Kinh nhiều năm qua theo đuổi mục tiêu tự chủ công nghệ, họ vẫn bác bỏ khái niệm “tách rời” (decoupling) và coi đó là công cụ để phương Tây kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ “chia tay” Washington.

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0? - ảnh 3
Ông Trump và ông Tập. Ảnh: WSJ

Danh sách các biện pháp đáp trả được lan truyền trên mạng ngày 8/4 cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc chấm dứt hoàn toàn hợp tác với Mỹ về fentanyl. Một lựa chọn khác là cấm nhập khẩu thịt gia cầm và nông sản Mỹ như đậu tương và lúa miến – vốn chủ yếu đến từ các bang Cộng hòa.

Trung Quốc cũng có thể nhắm đến lĩnh vực dịch vụ, nơi Mỹ vẫn đang duy trì thặng dư thương mại. Các hãng tư vấn và công ty luật Mỹ tại Trung Quốc có thể bị siết chặt hoạt động. Một số chuyên gia còn đề xuất điều tra sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, cáo buộc chúng tạo ra thế độc quyền và lợi nhuận bất thường.

Một blogger có ảnh hưởng lập luận rằng việc Trung Quốc thành công với phim hoạt hình “Na Tra 2”, trong khi “Bạch Tuyết” thất bại tại Mỹ, có thể làm cơ sở để hạn chế hoặc cấm nhập khẩu phim Hollywood.

Nếu “chiến đấu đến cùng” nghĩa là ăn miếng trả miếng mọi biện pháp thuế quan từ Mỹ, ông Tập sẽ buộc phải cắn răng chấp nhận “tách rời” – một kịch bản mà Bắc Kinh từng cố gắng né tránh.

Theo The Economist

>> Thuế quan Mỹ làm rung chuyển kinh tế toàn cầu

Báo chí Trung Quốc: Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt - Trung

Nhà Toán học nổi tiếng rời Mỹ chọn Trung Quốc cống hiến, góp mặt tại Đại học được hậu thuẫn bởi tỷ phú công nghệ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nguyen-nhan-nao-khien-trung-quoc-tu-tin-se-thang-my-trong-thuong-chien-20-140540.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0?
    POWERED BY ONECMS & INTECH