Thế giới

Elon Musk 'vỡ mộng', thuế quan của ông Trump bất ngờ giúp BYD thắng lớn khiến cuộc chiến xe điện đảo chiều

Linh Châu 16/04/2025 - 10:59

Đợt áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump tưởng chừng sẽ là cú hích cho Tesla – một động thái bảo hộ đúng lúc trong bối cảnh các đối thủ Trung Quốc, đặc biệt là BYD, đang tăng tốc giành thị phần toàn cầu. Thế nhưng, thay vì kìm hãm cuộc đua, chính sách này có thể đã trao cho BYD lợi thế để vượt qua Tesla.

Khi Elon Musk vẫn còn bận tranh luận trong chính trường Mỹ, thì tại Thâm Quyến, BYD lặng lẽ công bố kết quả kinh doanh: quý I năm nay, hãng tiếp tục dẫn đầu doanh số xe thuần điện (BEV) toàn cầu, với hơn 416.000 xe bán ra – vượt xa mức 336.681 của Tesla. Đây là quý thứ hai liên tiếp BYD đánh bại Tesla về số lượng xe BEV bán được.

Trong nhiều năm, giới quan sát phương Tây từng coi sự trỗi dậy của BYD chỉ là hiện tượng nhất thời – một thương hiệu giá rẻ, thuần Trung Quốc, khó có khả năng cạnh tranh lâu dài. Khi BYD vượt Tesla năm 2023, nhiều người cho rằng đó là nhờ doanh số xe hybrid sạc điện.

Khi BYD tăng trưởng nhanh hơn cả thị trường xe điện toàn cầu, người ta lại viện dẫn “lợi thế sân nhà”. Thậm chí, khi hãng mở rộng ra quốc tế, việc không thể vào thị trường Mỹ – do các hàng rào thuế quan từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump – vẫn bị xem là điểm yếu chí mạng.

Thế nhưng, chính điểm yếu đó giờ đây đã trở thành lá chắn chiến lược. Việc không bán xe điện chở khách tại Mỹ giúp BYD hoàn toàn miễn nhiễm trước làn sóng áp thuế mới. Hãng không có nhà máy, đại lý hay thị phần nào ở Mỹ để phải bảo vệ, cũng không bị ảnh hưởng bởi những bất ổn pháp lý, thuế trả đũa hay căng thẳng chính trị mà các nhà sản xuất có mặt tại Mỹ đang phải đối mặt. Trong một ngành công nghiệp chịu nhiều tác động địa chính trị, sự “miễn dịch” của BYD là một tài sản quý giá.

Quan trọng hơn, việc bị loại khỏi thị trường Mỹ từ sớm đã buộc BYD phải dồn toàn lực chinh phục các thị trường khác – nơi có ít rào cản chính trị hơn, như châu Âu, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Chính bước đi này đã trở thành lợi thế then chốt. Trong năm 2024, BYD đã xuất khẩu hơn 417.000 xe và dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Elon Musk 'vỡ mộng', thuế quan của ông Trump bất ngờ giúp BYD thắng lớn khiến cuộc chiến xe điện đảo chiều - ảnh 1
Trong năm 2024, BYD đã xuất khẩu hơn 417.000 xe và dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay

Ngược lại, Tesla đang ngày càng dễ tổn thương. Là thương hiệu biểu tượng của nước Mỹ, hãng có thể trở thành mục tiêu cho các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Dù sở hữu nhà máy tại Thượng Hải, Tesla vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc – nơi chiếm vị trí số hai về doanh thu toàn cầu. Thực tế, doanh số Tesla tại Trung Quốc đã giảm 11,5% trong tháng 3, trong khi BYD tăng tương ứng.

Châu Âu, vốn là "vùng an toàn" của Tesla, cũng đang đổi chiều. Nếu Liên minh châu Âu (EU) đáp trả chính sách bảo hộ của Mỹ bằng việc áp thuế đối với xe và linh kiện nhập từ Mỹ, Tesla có thể bị vạ lây. Nhiều mẫu xe cao cấp của hãng, như Model X, vẫn được sản xuất tại Mỹ và có khoảng 60% linh kiện nội địa.

Tình hình tại châu Âu đã thể hiện rõ: doanh số Tesla trong quý I lao dốc, với mức giảm trên 40% tại Pháp và Thụy Điển. Trong khi đó, BYD tăng trưởng mạnh mẽ – riêng thị trường Anh tăng gấp 7 lần, nhờ sức hút của mẫu sedan điện Seal, có giá khoảng 46.000 bảng Anh.

Những con số này phản ánh một xu thế dịch chuyển sâu sắc. Biên lợi nhuận gộp từ mảng ô tô của Tesla giảm xuống còn 13,6% trong quý IV/2023 – chưa bằng một nửa mức đỉnh năm 2022. Trong khi đó, BYD đạt 22,3%. Về mặt thương hiệu, Tesla vẫn dẫn đầu toàn cầu. Nhưng xét các chỉ số kinh doanh cốt lõi – doanh số, biên lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng – BYD đã vượt lên.

Điều đáng lo hơn với Tesla là BYD đang dần chiếm được uy tín quốc tế. Một phần thành công này đến từ sự tương phản giữa hai nhà lãnh đạo. Elon Musk luôn là tâm điểm của dư luận. Trong khi đó, ông Wang Chuanfu – nhà sáng lập BYD – lại là một kỹ sư trầm lặng xuất thân từ ngành Hóa học. Trong thời đại mà “nổi tiếng” đồng nghĩa với bị soi xét, sự kín tiếng của ông Wang đã trở thành một lợi thế chiến lược.

Tuy nhiên, đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai công ty. Đây là minh chứng điển hình cho những hệ quả ngoài dự kiến của chủ nghĩa dân tộc kiểu Tổng thống Trump. Khi các biện pháp thuế quan cực đoan trở thành trụ cột trong chính sách kinh tế Mỹ, một xu hướng rõ ràng đang xuất hiện: các doanh nghiệp Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy pháp lý và hệ quả địa chính trị, trong khi đối thủ nước ngoài lại tận dụng khoảng trống mà chính chiến lược đó tạo ra để tiến lên.

Thuế quan của ông Trump được kỳ vọng sẽ bảo vệ vị thế của Mỹ. Nhưng trên thực tế, bằng cách cố uốn nắn thế giới theo ý mình, nước Mỹ có thể đang vô tình khiến phần còn lại tiến lên mà không cần đến mình.

>> Ông Trump 'hối thúc' Trung Quốc liên hệ đàm phán: 'Họ cần người tiêu dùng Mỹ'

Xe điện Xiaomi tự lái gặp tai nạn nghiêm trọng trên đường cao tốc, 3 người tử vong

‘Xe điên’ lao lên vỉa hè đâm vào đám đông khiến 7 người bị thương: Tài xế là phụ nữ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/elon-musk-vo-mong-thue-quan-cua-ong-trump-bat-ngo-giup-byd-thang-lon-khien-cuoc-chien-xe-dien-dao-chieu-140582.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Elon Musk 'vỡ mộng', thuế quan của ông Trump bất ngờ giúp BYD thắng lớn khiến cuộc chiến xe điện đảo chiều
    POWERED BY ONECMS & INTECH