Mới gần đây Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đã phải bán khách sạn HAGL tại vị trí "đắc địa" tỉnh Gia Lai để trả nợ.
Bầu Đức: 22 năm bỏ ra không dưới 2.000 tỷ đồng cho bóng đá
Ngày 2/11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt  (LPBank - Mã: LPB ) đã ký kết hợp tác toàn diện  với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Cùng với đó, đại diện HAGL Group đã công bố đổi tên Học viện và Câu lạc bộ thành Học viện Bóng đá LPBank – HAGL và Câu lạc bộ Bóng đá LPBank – HAGL .
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank (bên trái) và ông Đoàn Nguyên Đức (bên phải), Chủ tịch Học viện Bóng đá, CLB LPBank – HAGL, thực hiện ký kết. |
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Đoàn Nguyên Đức  (bầu Đức) cho biết đầu tư bóng đá rất phức tạp và tốn kém. Ông tiết lộ rằng trong 22 năm đã bỏ ra không dưới 2.000 tỷ đồng cho bộ môn này .
"Tôi năm nay đã 62 tuổi, có thể lèo lái đội bóng thêm 10 năm nhưng không thể đến khi ngoài 70 tuổi vẫn tiếp tục quản lý đội bóng. Nhưng tôi muốn đội bóng và học viện tồn tại mãi mãi nên đã nghĩ đã đến giai đoạn thay đổi, tìm đến đối tác có khả năng tài chính rõ ràng, ổn định để cùng nhau phát triển CLB và Học viện HAGL", bầu Đức phát biểu tại buổi lễ.
Thời hoàng kim (2008-2009) bầu Đức là đại gia  giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Bầu Đức còn được biết đến là một người tâm huyết với bóng đá Việt Nam. Vậy tiền đâu ông Đức đầu tư bóng đá?
Bất ngờ cách hạch toán của CLB Hoàng Anh Gia Lai
Làm bóng đá ở Việt Nam là làm hình ảnh, không phải làm kinh doanh khi các câu lạc bộ đều báo lỗ. Trước đó như FLC  từng rút khỏi bóng đá Thanh Hóa, hay nhiều các đại gia Ninh Bình đồng loạt từ bỏ bóng đá; bầu Đệ cũng chia tay bóng đá Thanh Hóa sau 2 mùa giải ồn ào ở sân chơi V.League.
Những ông bầu phải thực sự tâm huyết và có 1 nền tảng kinh doanh vững chắc phía sau để nuôi đội bóng. Về lý thuyết, nếu đội bóng được nuôi bởi chính công ty của ông bầu đó hoặc gia đình của họ, đồng nghĩa đó sẽ là tiền túi của họ. Nhưng với Bầu Đức, có lẽ sẽ khác?
Hoàng Anh Gia Lai (HAG ) quản lý mảng bóng đá thông qua công ty con là CTCP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai với tỷ lệ sở hữu 97,5% (theo BCTC công ty mẹ quý 3/2023), giá gốc đầu tư gần 90 tỷ đồng.
Công ty Thể thao này được thành lập vào năm 2009, quản lý câu lạc bộ bóng đá và Khu liên hợp học viện Bóng đá. Về mặt kế toán, kết quả kinh doanh của công ty con này sẽ được hợp nhất vào Công ty mẹ HAGL. Những chi phí đội bóng, lương cầu thủ sẽ được hạch toán vào công ty và gián tiếp hạch toán vào Tập đoàn mẹ.
Trên BCTC, HAGL dự phòng số tiền gần 90 tỷ đồng đầu tư vào công ty thể thao trên, điều đó cho thấy công ty đã chuẩn bị tâm lý có thể sẽ “mất trắng” khoản đầu tư này. Trong khi đó HAGL hoạt động theo mô hình CTCP và có hàng chục nghìn cổ đông. Như vậy nếu HAGL bỏ tiền nuôi công ty sở hữu đội bóng, học viện có nghĩa là các cổ đông Tập đoàn này cũng chung tay chứ không phải hoàn toàn tiền túi của ông chủ.
Về tình hình kinh doanh  theo BCTC công ty mẹ quý 3/2023, HAGL  ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm giảm sâu chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm trước, ở mức 30 tỷ đồng, LNST theo đó cũng ghi nhận mức lỗ 69 tỷ đồng.
Tại BCTC hợp nhất quý 3/2023, HAGL ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 5.034 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng trái cây đóng góp tỷ trọng nhiều nhất với tỷ lệ 45%, ghi nhận gần 2.279 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước ghi nhận 3.471,5 tỷ đồng). Do không còn khoản hoàn nhập dự phòng, HAGL ghi nhận lãi sau thuế sụt giảm 20% so với 9 tháng đầu năm ngoái, đạt 710 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của HAGL đã tăng gần 9% lên mức 21.496 tỷ đồng, trong đó có các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng gấp hơn 2 lần lên tới 2.001 tỷ đồng. Ngoài ra, HAGL cũng trả trước cho người bán ngắn hạn số tiền 1.227 tỷ đồng.
Nợ phải trả  tính đến cuối quý 3 ghi nhận 15.953 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm, trong đó nợ vay tài chính ghi nhận 7.779 tỷ đồng (chiếm gần 1 nửa nợ phải trả).
Đức Long Gia Lai, HAGL, Quốc Cường Gia Lai: 3 đại gia phố núi ngày ấy, bây giờ ra sao?