23 cụm công nghiệp hơn 1.500ha tại TP. HCM có nguy cơ bị 'xoá sổ'
Nhằm tái định hướng phát triển kinh tế, TP. HCM vừa đề xuất đưa 23 cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch đến năm 2030.
Sở Công Thương TP. HCM vừa gửi văn bản tới UBND TP. HCM về kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trong đó, có đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.503,92ha.
Cụ thể, 13 cụm công nghiệp sẽ được chuyển đổi thành điểm sản xuất công nghiệp hiện hữu với diện tích 633ha. Danh sách các cụm này gồm: Phú Mỹ (quận 7) 80ha, Bình Đăng (quận 8) 28ha, Hiệp Thành (quận 12) 50ha, Tân Thới Nhất (quận 12) 50ha, Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức) 20ha, Đông Quốc lộ 1A (quận Bình Tân) 33ha, Tân Quy A (huyện Củ Chi) 65ha, Tân Quy B (huyện Củ Chi) 97ha, Xuân Thới Sơn A (huyện Hóc Môn) 38ha, Tân Hiệp A (huyện Hóc Môn) 25ha, Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh) 50ha, Tân Túc (huyện Bình Chánh) 40ha và Long Thới (huyện Nhà Bè) 57ha.
6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 283,5ha sẽ được chuyển đổi chức năng do không phù hợp với hạ tầng hoặc tình hình phát triển địa phương, gồm: Cụm công nghiệp quận 2 (nay là TP Thủ Đức) 18ha, Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) 36ha, Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) 87ha, Bình Khánh (huyện Cần Giờ) 97ha, Tân Hiệp B (huyện Củ Chi) 20ha và Long Sơn (TP Thủ Đức) 25,5ha.
2 cụm công nghiệp đã được chuyển thành khu công nghiệp, tổng diện tích 223,42ha: Cụm công nghiệp An Hạ (quận 12) 123,5ha và Cơ khí ô tô Hòa Phú (huyện Củ Chi) 99,91ha, được Thủ tướng phê duyệt tại công văn số 1204/TTg ngày 21/7/2011.
2 cụm công nghiệp khác được đề xuất chuyển thành khu công nghiệp do đáp ứng đủ điều kiện phát triển: Cụm Đa Phước (huyện Bình Chánh) 90ha, Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) 75ha và cụm Nhị Xuân giai đoạn 2 (huyện Hóc Môn) 199ha.
>> Viettel sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu 6.000 tỷ đồng ở TP. HCM vào năm 2025 
Sở Công Thương TP. HCM cũng đề xuất giữ lại 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 420,75ha, bao gồm: Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân 16,6ha, cụm Láng Le - Bàu Cò 89ha, cụm Quy Đức (huyện Bình Chánh) 70ha, cụm Xuân Thới Sơn B 61,22ha, cụm Dương Công Khi 54,91ha, cụm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) 54,02ha và cụm Bàu Trăn (huyện Củ Chi) 75ha.
Đặc biệt, cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân và cụm công nghiệp Nhị Xuân đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.
Năm 2007, UBND TP. HCM đã ban hành quyết định “Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp địa phương TP. HCM đến năm 2020, có tính đến năm 2025”, trong đó quy hoạch 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.900ha.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, việc điều chỉnh quy hoạch so với Quyết định 4809 là cần thiết để phù hợp với tình hình phát triển của thành phố, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong việc kêu gọi đầu tư và sử dụng hợp lý quỹ đất.
>> Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam sắp đón 2 cụm công nghiệp gần 300 tỷ đồng 
Việc điều chỉnh cũng đồng thời kết hợp với các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ cháy nổ nằm xen kẽ trong khu dân cư, và bổ sung các ngành công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp.
Theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP, cụm công nghiệp là nơi sản xuất và cung cấp dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với ranh giới địa lý rõ ràng, không có dân cư sinh sống. Cụm công nghiệp được đầu tư nhằm thu hút và di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và tổ hợp tác vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụm công nghiệp có diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 10ha. Đối với các huyện miền núi hoặc làng nghề, diện tích cụm công nghiệp không vượt quá 75ha và không dưới 5ha.
>> Chân dung doanh nghiệp vừa khởi công dự án cụm công nghiệp 450 tỷ đồng tại Nam Định 
Bình Định khởi động 2 cụm công nghiệp mới, tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng 
Chân dung doanh nghiệp vừa khởi công dự án cụm công nghiệp 450 tỷ đồng tại Nam Định