Tài chính Ngân hàng

23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ 'khủng': Tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng

Hoàng Hiếu 12/06/2024 - 11:17

Theo chuyên gia, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các ngân hàng.

Năm 2024, có 23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng. Nếu đúng như dự kiến, đây là con số lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Mùa Đại hội cổ đông để lại nhiều dư âm nhất

Ấn tượng nhất trong mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 có lẽ đến từ nhóm ngân hàng với loạt các quyết định bất ngờ. ĐHCĐ thường niên cũng là "nơi" chốt quyết sách tăng vốn trong năm của doanh nghiệp.

Gần như tiên phong trong việc tăng vốn "khủng" năm nay, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) mới đây đã công bố ngày chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Techcombank dự kiến phát hành hơn 3,52 tỷ cổ phiếu tỷ lệ 100%, nhằm tăng vốn điều lệ gấp đôi từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Sự kiện thành công sẽ đánh dấu sự chuyển mình “lớn gấp đôi” mạnh mẽ trong năm nay của Techcombank, đồng thời đưa ngân hàng lên TOP2 về vốn điều lệ trong số các ngân hàng tại Việt Nam.

>> Techcombank (TCB) phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu thưởng, đưa ngân hàng lên TOP2 về vốn điều lệ

HDBank (HDB) lại mang đến niềm hạnh phúc theo cách khác cho cổ đông khi điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2023 lên mức 30% - trở thành ngân hàng trả cổ tức cao nhất. Đặc biệt, HDBank sẽ chi 10% cổ tức bằng tiền mặt để cổ đông nhận "tiền tươi thóc thật", số còn lại 20% trả bằng cổ phiếu.

Âm thầm phát triển với chiến lược hướng tới khách hàng ở nông thôn và đô thị loại II, HDBank đã xây dựng cho mình nền tảng khách hàng tiềm năng, ổn định, được đánh giá là phân khúc chiến lược có sức hấp thụ tín dụng tốt. Đây cũng là một trong những điểm nhấn giúp HDBank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định 11 năm liên tiếp.

Với kế hoạch tăng vốn năm 2024, nay khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức, HDBank sẽ lọt TOP10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, giúp ngân hàng củng cố thêm bộ đệm vốn vững chắc.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB, HOSE: MBB) lên rất nhiều kế hoạch tăng vốn, từ việc phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Dự kiến sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ đạt 61.643 tỷ đồng.

23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ 'khủng': Tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa

Big4 không thể đứng ngoài cuộc chơi tăng vốn

Loạt các ngân hàng TMCP cổ phần lên kế hoạch tăng vốn "khủng" đã khiến Big4 không thể đứng ngoài cuộc chơi.

VietinBank (CTG) dự kiến dùng toàn bộ 25.448 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại của năm 2022 và 2023 để tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nâng tổng số vốn điều lệ lên 79.148 tỷ đồng.

Vietcombank (VCB) cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Nếu phương án này được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ nâng lên hơn 77.500 tỷ đồng.

BIDV (BID ) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn năm 2024 bằng kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% và phát hành riêng lẻ 165 triệu cổ phiếu. Dự kiến sau khi hoàn thành, vốn điều lệ BIDV đạt 70.600 tỷ đồng.

Cải thiện tỷ lệ an toàn vốn CAR

Có thể thấy các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh tăng vốn điều lệ để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio), nâng cao năng lực tài chính và cải thiện xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Theo dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2020 tăng thêm hơn 48.300 tỷ đồng, đến năm 2021 tăng tiếp 90.600 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022 và 2023, tăng lần lượt hơn 125.700 tỷ đồng và 125.900 tỷ đồng, tức mức tăng gấp hơn 2,5 lần mức tăng của năm 2020.

Các chuyên gia nhận định, nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn đặt ra cho năm 2024, quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể, phân hóa thành với 3 nhóm.

Nhóm có vốn điều lệ trên 70.000 tỷ đồng gồm VPBank (79,3 ngàn tỷ đồng), Vietinbank (79,1 ngàn tỷ đồng), Vietcombank (77,5 ngàn tỷ đồng), BIDV (70,6 ngàn tỷ đồng), Techcombank (70,5 ngàn tỷ đồng); nhóm 30.000-50.000 tỷ đồng như SeABank (30 ngàn tỷ đồng), LPBank (33,6 ngàn tỷ đồng), HDB (33,6 ngàn tỷ đồng),... và nhóm dưới 30.000 tỷ đồng gồm một số ngân hàng vừa và nhỏ khác.

Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR vì vậy tăng vốn điều lệ là một trong những cách thức giúp tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu, là mục tiêu mà Chính phủ đang đặt ra trong các đề án Quốc gia.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, cho rằng hệ số CAR của các Ngân hàng Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực là một trong những thách thức. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các nhà băng. Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn bền vững, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

>>Techcombank (TCB) phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu thưởng, đưa ngân hàng lên TOP2 về vốn điều lệ

Ngân hàng cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế

Techcombank (TCB) phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu thưởng, đưa ngân hàng lên TOP2 về vốn điều lệ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/23-ngan-hang-len-ke-hoach-tang-von-dieu-le-khung-tong-muc-tang-them-gan-167000-ty-dong-237950.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ 'khủng': Tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH