352 trường học buộc đóng cửa, ô nhiễm không khí ở Bangkok tệ đến mức nào?
Vấn nạn ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến Thái Lan theo mùa. Việc đóng cửa trường học ở Bangkok diễn ra trong bối cảnh UNICEF cho biết việc đi học của 242 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về khí hậu vào năm 2024.
Thủ đô Thái Lan cán mốc kỷ lục không mong muốn: 352 trường học đóng cửa vì ô nhiễm không khí
Chính quyền thành phố Bangkok cho biết ô nhiễm không khí  ở thủ đô Thái Lan đã buộc hơn 350 trường học phải đóng cửa vào thứ Sáu (24/1/2025). Đây là con số cao nhất ghi nhận ở thành phố nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á này trong 5 năm qua.
Các quan chức Bangkok đã công bố thông tin về việc miễn phí dịch vụ giao thông công cộng trong một tuần nhằm mục đích giảm tắc nghẽn giao thông ở thành phố khét tiếng về khí thải độc hại này.
>> Ô nhiễm không khí thủ đô: Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho 7 triệu phương tiện 
Ô nhiễm không khí theo mùa từ lâu đã ảnh hưởng đến Thái Lan, giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tình trạng mù mịt trong tuần này đã khiến nhiều trường học phải đóng cửa nhất kể từ năm 2020.
“Thật khó thở... Tôi thực sự cảm thấy cổ họng mình bỏng rát. Tôi nghĩ việc đóng cửa trường học có thể giúp ích ở một mức độ nào đó”, Benjawan Suknae, 61 tuổi, một người bán đồ uống nói.
Chính quyền Đô thị Bangkok cho biết họ đã đóng cửa 352 trường học trên 31 quận do ô nhiễm không khí.
Trước đó, vào thứ Năm (23/1), hơn 250 trường học ở Bangkok đã phải tạm dừng công tác dạy và học của các giáo viên và học sinh do ô nhiễm không khí, trong khi các quan chức kêu gọi mọi người làm việc tại nhà và hạn chế phương tiện cơ giới tải trọng lớn trong thành phố.
Ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến Thái Lan theo mùa khi không khí mùa đông lạnh giá, tù đọng kết hợp với khói từ việc đốt rơm rạ và phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thải ra.
Theo IQAir, tính đến thứ Sáu (24/1), mức độ ô nhiễm PM2.5, chỉ số mô tả các hạt vi mô gây ung thư đủ nhỏ để xâm nhập vào máu qua phổi (chỉ số bụi mịn) của Bangkok đã đạt 108 microgam trên 1 mét khối không khí.
Con số này vượt xa ngưỡng khuyến cáo không quá 15 microgram trên 1 mét khối không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến Bangkok đứng thứ 7 trong danh sách các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới hiện nay.
WHO cũng khuyến cáo mức độ tiếp xúc với bụi mịn của một người trung bình 24 giờ không nên quá 15 microgram trên 1 mét khối không khí trong hầu hết các ngày trong năm.
Tính đến sáng 24/1, 352 trong số 437 trường học trực thuộc Chính quyền Đô thị Bangkok đã đóng cửa, ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul trước đó 1 ngày đã ra lệnh cấm người dân nước này đốt rơm rạ. Nếu vẫn cố ý đốt các loại cây trồng còn sót lại để dọn sạch đồng ruộng, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm và có nguy cơ bị truy tố trước pháp luật.
Trong một nỗ lực khác nhằm hạn chế ô nhiễm, một Bộ trưởng Chính phủ nước này đã tuyên bố vào ngày 24/1 rằng dịch vụ giao thông công cộng ở Bangkok sẽ miễn phí trong 1 tuần.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit đã trả lời các phóng viên rằng hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt nhẹ và xe buýt của Thủ đô sẽ miễn phí cho khách hàng từ thứ Bảy (25/1). “Chúng tôi hy vọng chính sách này sẽ giúp giảm ô nhiễm”, ông Suriya nói.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, người hiện đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ đã kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết ô nhiễm vào ngày 23/1, bao gồm hạn chế xây dựng ở thủ đô và tìm kiếm sự hợp tác từ các nước lân cận.
“Tôi nghĩ BMA nên nâng cao nhận thức hơn nữa và có lẽ chính sách làm việc tại nhà sẽ là giải pháp tốt nhất”, Wisut Kitnarong, 59 tuổi, một nhân viên tự do cho biết.
Đầu tuần này, chính quyền thành phố Bangkok đã đưa ra chương trình làm việc tại nhà tự nguyện trong 3 ngày để kêu gọi người dân chung tay trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí.
Vấn đề nhức nhối ở Đông Nam Á: Việt Nam và Campuchia cũng phải đau đầu
Không chỉ Bangkok (Thái Lan), các thành phố ở hai nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Campuchia cũng bị xếp hạng cao trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới theo đánh giá của IQAir hôm 24/1, trong đó TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 và Phnom Penh đứng thứ 5.
Bộ Môi trường Campuchia xác nhận cùng ngày rằng chất lượng không khí ở Phnom Penh và 3 tỉnh khác đã đạt “mức đỏ”, nghĩa là mức ô nhiễm cao.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng ô nhiễm không khí là do biến đổi khí hậu, đốt rác thải và cháy rừng, đồng thời kêu gọi người dân theo dõi sức khỏe và tránh các hoạt động ngoài trời.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến nhiều trường học trên khắp các khu vực khác của châu Á phải đóng cửa thời gian gần đây, đặc biệt là ở Pakistan và Ấn Độ.
Gần 2 triệu học sinh ở New Delhi và các vùng lân cận được yêu cầu ở nhà vào tháng 11 sau khi chính quyền ra lệnh đóng cửa trường học vì tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.
Vào tháng 11, tỉnh Punjab – tỉnh đông dân nhất Pakistan đã đóng cửa các trường học tại những thành phố lớn bị ô nhiễm khói bụi trong 2 tuần, hàng nghìn người phải nhập viện vì mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 30 lần mức cho phép theo WHO.
Việc đóng cửa trường học ở Bangkok diễn ra trong bối cảnh Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)cho biết trong một báo cáo rằng việc đi học của 242 triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về khí hậu vào năm 2024.
Theo báo cáo được công bố hôm 24/1, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí vốn được coi là “tác động thứ cấp của các mối nguy do khí hậu gây ra”.
Theo AFP/CNA
>> Mỗi năm 70.000 người Việt tử vong vì bệnh liên quan ô nhiễm không khí