4 cổ phiếu thủng đáy lịch sử trong tuần VN-Index giảm 107 điểm
Dù VN-Index phục hồi hơn 50 điểm so với đáy trong phiên 4/4 và giữ vững mốc 1.200 điểm, hàng loạt cổ phiếu vẫn rơi thẳng đứng, trong đó nhiều cái tên đã chính thức thủng đáy lịch sử.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 19 điểm, tương đương 1,56%, xuống còn 1.210,7 điểm. Mặc dù giảm điểm, diễn biến này lại khiến nhiều nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm, bởi trong phiên sáng, chỉ số từng có thời điểm mất tới hơn 70 điểm, làm dấy lên lo ngại về kịch bản giảm sâu tương tự phiên "thảm khốc" ngày 3/4.
Sự trở lại của dòng tiền bắt đáy, đặc biệt tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, đã giúp VN-Index phục hồi hơn 50 điểm so với đáy trong phiên và giữ vững mốc 1.200 điểm. Thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục với gần 2 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE, tương đương giá trị gần 40.000 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 138 mã tăng, 354 mã giảm, trong đó có tới 102 cổ phiếu giảm sàn.
Dù vậy, tính chung cả tuần, VN-Index đã mất tổng cộng 107 điểm. Đáng chú ý, có ít nhất 4 cổ phiếu chính thức thủng đáy lịch sử trong tuần này.
![]() |
4 cổ phiếu thủng đáy lịch sử trong tuần VN-Index giảm 107 điểm |
Angimex (AGM): Lỗ lũy kế vượt vốn chủ, đối diện hủy niêm yết
Chốt phiên 4/4, AGM  của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang giảm sàn xuống 2.260 đồng/cp, đánh dấu mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết. Từ đỉnh năm 2022, vốn hóa Angimex đã "bốc hơi" tới 96%, chỉ còn khoảng 41,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu này giảm sâu sau khi HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 259,8 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối âm 425,8 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 182 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 243,8 tỷ đồng, khiến AGM rơi vào diện buộc hủy niêm yết theo quy định.
GKM Holdings: Từ bê bối thao túng giá đến đáy lịch sử
Cổ phiếu GKM tiếp tục mất giá mạnh, về mức 3.700 đồng/cp – thấp nhất trong lịch sử giao dịch. GKM từng gây chú ý với chuỗi 10 phiên giảm sàn liên tiếp hồi cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2024. Doanh nghiệp này cũng liên quan đến bê bối thao túng giá, khi ông Nguyễn Việt Hà bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vào cuối năm 2023. Khi đó, giá GKM từng tăng hơn 380% chỉ trong 6 tháng trước khi lao dốc.
Lộc Trời (LTG): Cạn niềm tin sau chuỗi biến động
LTG  từng là cổ phiếu "ngôi sao" trong ngành nông nghiệp, nhưng sau hàng loạt biến cố về nhân sự, kết quả kinh doanh sa sút và án phạt hạn chế giao dịch (10/2024), niềm tin nhà đầu tư ngày càng hao mòn. Kết phiên 4/4, cổ phiếu giảm thêm 13% về mức 6.000 đồng/cp, chính thức thủng đáy lịch sử, giảm hơn 83% so với đỉnh.
Pomina (POM): Lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế gấp 10 lần vốn chủ
Kết phiên 4/4, cổ phiếu POM  giảm kịch sàn về 1.700 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết. Giá cổ phiếu đã giảm khoảng 23% từ đầu năm 2025 và mất tới 92% kể từ đỉnh cuối năm 2021.
Nguyên nhân đến từ kết quả kinh doanh ngày càng sa sút. Năm 2024, Pomina lỗ gần 1.000 tỷ đồng, sau 2 năm liên tiếp thua lỗ gần 1.100 tỷ đồng (2022) và 961 tỷ đồng (2023). Doanh thu 2024 chỉ đạt 2.328 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước. Giá vốn vượt doanh thu khiến công ty lỗ gộp 80 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cao kỷ lục (663 tỷ đồng) tiếp tục bào mòn lợi nhuận.
Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của Pomina lên tới 2.600 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 263 tỷ – tức lỗ gấp gần 10 lần vốn thực có.
CEO Chứng khoán DSC: Cơ hội xuất hiện cho nhà đầu tư giữa 'tâm bão' bán tháo 
Một cổ phiếu tăng trần phá đỉnh lịch sử trong ngày VN-Index giảm kỷ lục 88 điểm