Không phải ai cũng biết và lý giải một cách khoa học về những chuyện kỳ bí quanh những tòa dinh thự cổ này.
3. Dinh thự kiểu Pháp ở Đồng Nai - Từ di tích thành phế tích
Tòa dinh thự nằm trên đỉnh núi Thị (xã Suối Tre, TX Long Khánh, Đồng Nai ) đã được công nhận là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật từ lâu. Tuy nhiên hiện tại, biệt thự ở núi Thị đang dần trở thành phế tích.Tòa dinh thự được người dân trong vùng gọi là nhà Tây núi Thị. Dinh thự có kiến trúc một trệt một lầu, mặt tiền quay về hướng đông, tòa nhà có tổng diện tích lên đến 350m2 trên diện tích đất 824m2.
Nhà Tây núi Thị ở độ cao 265 m so với mặt nước biển, cao 34m so với mặt đất. Tòa nhà dạng hình chiếc bát úp, xây dựng theo lối kiến trúc Pháp rất cầu kỳ. Chủ nhân tòa nhà là ông Ác-Chê (người Pháp), một trong những chủ chính của Công ty cao su SIPH (thời kỳ 1930-1937).
Khu nhà chính với lối kiến trúc cân đối, hài hòa và sang trọng. Nhà có đầy đủ tiện nghi, quầy rượu, sàn nhảy. Đây là nơi vui chơi, sinh hoạt, làm việc của chủ Công ty SIPH và các vị khách mời vào những dịp lễ hay những ngày nghỉ cuối tuần.
Trong gần 100 năm đô hộ, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều công trình đồ sộ mang nét kiến trúc biệt thự Pháp rất độc đáo, tiêu biểu cho dòng kiến trúc Pháp ở thuộc địa. Nhà Tây núi Thị nằm trong số đó và cũng là công trình độc nhất ở miền Đông Nam bộ. Di tích này nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự hình thành và phát triển của lực lượng công nhân cao su Đồng Nai cũng như các sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân Long Khánh trong thời kỳ kháng chiến - nhất là trong chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975.
Dinh thự này tuy là di tích nhưng lại không có chỉ dẫn và lối ra/cổng ra vào. Toàn bộ ngôi nhà to lớn như thế nhưng hiện nay chỉ còn hình dạng kiến trúc cơ bản.
Cửa chính ra vào, quầy tiếp tân đã bị hư nát. Nhiều mảng tường trong nhà đã bong tróc trơ ra những hàng gạch. Cánh cửa, khuôn cửa, trang trí nội thất của tất cả các phòng trong ngôi nhà đều bị lấy mất. Tường rào bao quanh khuôn viên nhà bằng vật liệu đá ong và hệ thống đường hào thoát nước xây liền kề phía bên trong cũng đã không còn. Ngôi nhà đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Nếu không kịp thời sửa chữa chỉ một thời gian ngắn nữa thôi nơi đây sẽ là một đống đổ nát...
4. Ngôi nhà ma đầu đèo Prenn
Đi từ hướng TP. HCM - Đà Lạt , khi sắp hết đèo Prenn chuẩn bị vào TP. Đà Lạt, du khách bị hút mắt bởi một căn biệt thự lớn. Mặt tiền căn nhà hướng ra đường, lưng tựa vào rừng thông. Căn nhà ấy đã bị lãng quên lý lịch để khoác lên mình cái tên rất liêu trai: "nhà ma".
Đà Lạt có nhiều biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, kiểu Mỹ tồn tại hơn một thế kỷ, tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho vùng đất này. Theo thời gian, do chiến tranh, nhiều biệt thự xuống cấp, bỏ hoang, cỏ mọc vào tận nhà... tạo ra những cảm giác rùng rợn, ma quái nên được người đời qua nhiều thế hệ thêu dệt thành những "ngôi nhà ma" giữa lòng thành phố.
Có những biệt thự nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Xô Viết Nghệ Tĩnh, dọc đèo Prenn... cũng được gọi là "ngôi nhà ma". Nhưng "nhà ma" ở đầu đèo Prenn là nổi tiếng nhất.
Trước đây, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của một Hoa Kiều giàu có. Năm 1955, nhà văn Nhất Linh đã mua lại căn biệt thự để làm nơi nghỉ ngơi, chơi phong lan và viết sách.
Ngôi nhà ma này mang trong bản thân nhiều câu chuyện kể kỳ bí, rùng rợn. Có người kể trong thời thực dân Pháp cai trị, ngôi nhà này là nơi có một toán lính lê dương bảo vệ đầu đèo. Nhiều cô gái đi qua đây bị chúng bắt vào hãm hiếp rồi giết chết quẳng xác đi nên oan hồn cứ lảng vảng hiện về, ban đêm gào thét ghê sợ. Nhiều người dân Đà Lạt còn kể lại chính ông bảo vệ ngôi nhà này về sau đã chạy thục mạng ra nhiều lần vì bị... ma đuổi.
Ngoài câu chuyện của những người đã từng trải nghiệm qua đêm tại căn biệt thự Dã Quỳ này thì chúng ta ít nhiều cũng được nghe những câu chuyện kì bí được đồn đại xung quanh ngôi nhà ma nổi tiếng nhất Đà Lạt, ví như những chiếc xe khách khi đi ngang qua khu vực này vào ban đêm thường thấy một cô thiếu nữ áo trắng đứng vẫy xe về. Nếu vui, cô đứng sát vệ đường cho mọi người thấy rõ mà nếu cô buồn có thể cô đu trên ngọn cây để ngoắc xe. Đi được một đoạn đang trò chuyện vui vẻ người tài xế nhìn sang thì cô gái biến mất khiến họ hoảng hồn.
Tất cả lái xe lão luyện chạy tuyến Đà Lạt - Sài Gòn đều nói ít nhất là một lần đã trông thấy cô. Còn cô là ai thì mãi là ẩn số. Người thì nói đó là cô đào hát chết oan từ thời Pháp thuộc, người thì nói oan hồn cô gái thất tình nhảy xuống cái giếng phía sau căn biệt thự còn vương vấn trần thế…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK (Phước "khùng") từng giải thích về nhà ma đầu đèo Prenn như sau: "Tôi sống ở Đà Lạt từ nhỏ và bày trò quậy ở nhà ma này cũng nhiều. Có nhiều thứ khiến căn biệt thự đẹp bị coi là nhà ma. Một, nhà nằm ở đầu đèo, vị trí này khiến dễ bị khoác lên mình tấm áo ma mị, liêu trai. Hai, khu rừng thông quanh biệt thự từng có nhiều án mạng, tự sát nên có điều kiện để người dân thêu dệt rồi tin về bóng ma trong căn nhà cổ. Ba, nhiều phim ma đã quay ở căn nhà này. Tôi đã dẫn hơn chục đoàn làm phim ma hoặc có cảnh về ma quay ở căn nhà này".