Không phải ai cũng biết và lý giải một cách khoa học về những chuyện kỳ bí quanh những tòa dinh thự cổ này.
1. “Ngôi nhà ma” số 300 Kim Mã
Kiến trúc hiện đại độc đáo
Ngôi nhà số 300 Kim Mã đã hơn 30 năm bị bỏ hoang, với vị trí được coi là nằm ở “khu đất kim cương” nhưng những bí mật về nó vẫn khiến người ta khó cảm thấy rùng rợn. Có người đồn rằng nhìn thấy những bóng ma ngồi vắt vẻo trên cửa, người bảo nghe thấy tiếng trẻ con khóc, nói, cười… khiến cho ngôi nhà này thêm phần ma mị, huyền bí. Nhiều nhà khoa học, phong thủy , tâm linh đã lý giải về các vấn đề xoay quanh ngôi nhà này nhưng đến nay, những câu chuyện ly kỳ vẫn còn là một điều bí ẩn.
Ngôi nhà nằm ở số 300 Kim Mã, nên thường được gọi là nhà 300 Kim Mã. Ngôi nhà số 300 Kim Mã từng được cấp để Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở và nhà riêng Đại sứ. Sau đó, phía Bulgaria đã tiến hành xây dựng ngôi nhà có diện tích 1.307m2 trên khu đất có diện tích 3.243m2 và công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1991. Căn nhà này được xây dựng trên nền tảng của một ngôi nhà thời Pháp để lại với mục đích làm Đại sứ quán Bulgaria. Sau đó, ngôi nhà 300 Kim Mã gần như không được sử dụng suốt hơn 30 năm qua.
Nhìn từ ngoài vào, căn nhà số 300 Kim Mã có kiến trúc cổ điển nhưng đã hoang phế từ lâu, bị hỏng hóc rêu mốc bám đầy tường, cửa sắt hoen rỉ, lúc nào cũng được khóa trái một cách xộc xệch.
Căn nhà này được xây dựng theo kiến trúc Đông Âu cổ điển với thiết kế hình chữ U gồm ba khối nhà, trong đó khối nhà chính có lối hành lang dẫn thẳng vào khu sảnh. Ngôi nhà có hai mặt tiền rộng gần 100m, một mặt giáp với phố Kim Mã, mặt khác giáp với phố Vạn Bảo; nằm ở vị trí "đắc địa" của thành phố.
Khu nhà này cao ba tầng và có kết cấu kiên cố, bên trong là các căn phòng lớn như phòng làm việc, hành lang, cầu thang, bể bơi, lối đi, khuôn viên cây xanh, tường rào bao quanh,... Phía bên ngoài ngôi nhà được bao bọc bởi những bức tường mà sau này đã bị vẽ bậy lên và ba cái cổng sắt hướng về phía phố Kim Mã.
Chuyện không kể lúc... nửa đêm
Rất nhiều "tích" liên quan đến ngôi nhà này được lan truyền. Có người quả quyết đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng ra từ trong ngôi nhà lúc nửa đêm. Hay có ông bảo vệ nọ ngủ lại ngôi nhà nhưng ban đêm cứ thấy giường dựng đứng...
Tới năm 2009, câu chuyện giết người xảy ra ngay gần cổng tòa nhà đã khiến cho nhiều người tin rằng, ngôi nhà đó thật sự "có vấn đề". Sự đồn thổi về ngôi nhà càng được đẩy lên, đặc biệt là trên các diễn đàn mạng.
Thế nhưng, thực hư của những câu chuyện ấy như thế nào, chẳng có kiểm chứng ngoài những lời được nghe kể lại. Lẽ đương nhiên, cũng chẳng ai dám chắc rằng những lời đồn thổi ấy không bị "tam sao thất bản". Vậy nên, ngôi nhà càng thu hút sự tò mò của những người hiếu kỳ.
- Miếu Ông:
Ông Nguyễn Đắc Liên hiện là hội trưởng Thập tam trại (13 trại), trong đó có Vạn Phúc. Ông được biết đến là một trong những pho sử sống ở Vạn Phúc. Thế nên, khi được hỏi về gốc tích của khu nhà 300 Kim Mã thuộc đất làng Vạn Phúc trước đây, ông rất rành rẽ và kể một cách rõ ràng.
Theo ông Liên, các cụ kể lại rằng, xưa kia, Đức thánh Linh Lang đã thu nạp 121 người theo để đánh quân Tống. Khi nghĩa quân về qua Vạn Phúc, một trong số 121 người ấy đã “hóa” ở đất này. Dân làng bèn lập miếu thờ trên dãy núi Bò (chính là khu nhà số 300 Kim Mã hiện nay). Hàng năm, các giáp (xóm) được phân công lo việc cúng lễ ở Miếu. Tuy nhiên, càng về sau việc cúng lễ càng ít, ngôi Miếu bị "bỏ bê", vắng lạnh.
Ngôi Miếu Ông để trần, không có mái che. Thế nên, vào ngày mưa gió mà làm lễ thì ướt hết đồ. Các cụ bèn họp bàn, quyết định xây mái che cho Miếu, dù theo phong tục, những người chết ngoài trời thì phải để miếu trần. Tuy nhiên, khi xây xong, nhiều chuyện không may xảy ra: Trai đinh trong làng chết “bất đắc kỳ tử”, kể cả trâu bò cũng lăn ra chết. Dân làng sợ đành phải phá mái che. Từ đó, làng Vạn Phúc lại bình an vô sự.
Cũng theo ông Liên thì “ngôi miếu thiêng lắm!”. Cái sự thiêng của miếu vẫn được những người làng Vạn Phúc truyền tai nhau. Đã có vài lần thay đổi hướng Miếu Ông nhưng không phải hướng nào cũng hợp. Một dạo, hướng Miếu Ông trông sang phía Nam là làng Giảng Võ thì nạn cướp bóc hoành hành. Về sau, đổi sang phía Tây, quay về xóm Trên (Vạn Phúc Thượng) thì những người phụ nữ ở đó bị lông quặm. Sau cùng, đổi hướng Miếu về phía Đông thì không bị gì dân làng yên ổn.
- Nghĩa trang trẻ con:
Tuy nhiên, địa phận đất nhà 300 Kim Mã không chỉ gắn với câu chuyện về Miếu Ông linh thiêng mà còn là nghĩa trang rất đặc biệt: Nghĩa trang trẻ con
Ông Nguyễn Đắc Liên cung cấp thêm thông tin mà “không phải ai ở làng cũng nhớ”. Theo đó, trước đây, ông Phúc Long mua đất ở cổng làng Vạn Phúc (đoạn đường Giang Văn Minh bây giờ). Khu đất ấy vốn là nghĩa trang trẻ con. Ông Phúc Long đã xin chuyển toàn bộ hài cốt ở đó về gần chỗ Miếu Ông, vì quanh đó là khu đất trống và đã có một số mộ phần người Vạn Phúc được đặt tại đây.
Sau này, khu nghĩa trang ở quanh Miếu Ông được chuyển lên trên Yên Kỳ (Bất Bạt, Hà Tây cũ) để xây dựng ngoại giao đoàn, trong đó có phần mộ của ông ngoại, ông bà nội ông Liên. “Có thể, khi di chuyển mộ thì có những bộ hài cốt của trẻ em đã không còn do dấu tích thời gian. Thế nên, những vong hồn vẫn vương vất ở đó chăng?”, ông Liên tỏ ý nghi ngại.
Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một chuyên gia về phong thủy - địa lý có nhận xét: "Căn nhà "vô cùng đắc địa", nhưng ông cũng cho rằng, có thể do lối kiến trúc không đẹp, cổ xưa nên đã cản trở nhu cầu con người hiện đại muốn chuyển về sử dụng". Theo lời giải thích của ông, trái đất cũng giống như một cơ thể sống có điểm mạnh (khí dương vượng) và điểm yếu (khí âm vượng).
Trong phong thủy, ngôi nhà này được nhận xét là có thiết kế hoàn toàn bế khí, với hiên và cột đỡ "đâm thẳng vào trong, giống như chiếc quan tài", bên cạnh đó là cây cối và cỏ dại trong khuôn viên mọc um tùm và không được cắt tỉa, cộng thêm những hàng rào sắt nhọn hoen gỉ khi đó đã tạo cho ngôi nhà cảm giác "vô cùng... lạnh lẽo".
2. Khách sạn hạng sang bên bãi biển Đại Lãnh
Trong như không gian chính của một quầy bar
Nằm cạnh quốc lộ 1, cách trụ sở UBND xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa ) khoảng 100 m, tồn tại một công trình bỏ hoang hàng chục năm, có thể sập bất cứ lúc nào.
Công trình bị rêu xanh, cây dại phủ kín khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng sợ hãi như một nhà ngôi nhà ma.
Khách sạn được thiết kế 2 phần liên hoàn, phần trước là khối nhà gồm 4 tầng với hàng chục phòng tách biệt, mặt sau là khối nhà hình tròn, nhìn như không gian sinh hoạt của một quầy bar. Khu nhà được xây dựng dở dang, nham nhở, chưa có phần nào tô trát.
Vì bỏ hoang quá lâu nên khu nhà bị xuống cấp trầm trọng, các bậc cầu thang bong tróc để lộ sắt thép, nhiều lối đi bị sập, gãy. Hệ thống dầm, trụ nhà sau nhiều năm lộ thiên nên kết cấu sắt đã bị gỉ sét.
Năm 1987, Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ (TP.HCM) được UBND tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên), cấp hơn 10 ha đất ở khu vực ven biển xã Đại Lãnh. Năm 1988, đơn vị này liên kết với UBND huyện Vạn Ninh xây dựng khách sạn mang tên VAVISAL.
Khách sạn được xây dựng trên diện tích 7.800 m2, quy mô 4 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng. Đến năm 1989, khi công trình khách sạn xây dựng xong phần thô thì bị thiếu vốn, ngưng trệ.
Như "vết sẹo" bên bờ biển xinh đẹp
Tháng 12/1994, ông Nguyễn Thanh Tùng (cố nhạc sĩ Thanh Tùng), Tổng giám đốc Công ty nước khoáng Tu Bông, cùng với 2 cổ đông khác mua lại công trình với giá hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư mới không triển khai gì, bỏ hoang từ đó đến nay.
"Nhiều năm qua ít ai dám vào công trình này, nhìn rất sợ vì bên trong tối om, nhếch nhác. Đây còn là nơi tụ tập của những người nghiện ma túy", ông Thanh ngụ gần công trình cho biết.
Công trình bỏ hoang, không ai quản lý nên nhiều người đã vào bên trong đập phá các hạng mục để lấy sắt thép đem bán.
Theo UBND xã Đại Lãnh, nhiều năm trước xã có cắt cử người trông coi, không cho những người nghiện vào sử dụng ma túy.
"Chúng tôi rất lo vì nhiều người tò mò vào xem, trong khi công trình xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào", ông Trần Đình Thú, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh nói.
Do công trình hoang phế, xuống cấp nhiều năm, người dân địa phương ví đây là ngôi nhà ma. Hệ thống cầu thang của tầng 4 công trình đã bị sập, trơ khung sắt hoen gỉ.
Theo ông Trần Đình Thú, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh có biện pháp khôi phục hoặc giải tỏa công trình, nhưng đến nay chưa có tiến triển gì.
“Trước khi qua đời, cha tôi có nói đến khu nhà ở Đại Lãnh xây dựng dở dang rồi bỏ hoang khá lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa thể đầu tư xây dựng như tâm nguyện của cha tôi", ông Nguyễn Thanh Bách, con trai cố nhạc sĩ Thanh Tùng cho biết.
"Đã có 2 người chết trong công trình này rồi, mỗi khi thấy ai vào tôi đều nhắc nhở họ phải cận thận", một người dân chia sẻ.
Bên trong công trình, bơm kim tiêm do người nghiện bỏ lại vương vãi khắp nơi. "Xã có tổ chức thu dọn bơm kim tiêm ở công trình này nhưng không xuể", ông Trần Đình Thú cho biết.
Sau nhiều năm tìm hướng xử lý, đến nay, công trình khách sạn Vavisal xây dựng dở dang, bỏ hoang bên bờ biển xã Đại Lãnh đã được các đơn vị có liên quan thực hiện tháo dỡ, trả lại mặt bằng thông thoáng.
*Ảnh: Tạp chí Tri thức, tổng hợp