Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng giá 25%
MBS vừa khuyến nghị MUA cổ phiếu ngân hàng này với giá mục tiêu 52.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng 25% nhờ triển vọng lợi nhuận tích cực.
MBS mới đây đã công bố báo cáo phân tích cổ phiếu CTG , giữ quan điểm KHẢ QUAN với giá mục tiêu 52.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá 25,1% so với giá đóng cửa ngày 21/3. Định giá này dựa trên việc điều chỉnh tăng P/B mục tiêu lên 1,5x, phản ánh triển vọng lợi nhuận tích cực trong hai năm tới.
Triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng
MBS dự báo lợi nhuận sau thuế của CTG năm 2025 sẽ tăng trưởng 30,8% so với cùng kỳ nhờ chi phí tín dụng giảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chững lại vào năm 2026 do mức nền cao. Tăng trưởng tín dụng dự kiến duy trì ở mức 15% trong hai năm tới. Đến cuối năm 2024, tổng tín dụng của CTG ước tính tăng 16,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống (15%) nhưng thấp hơn so với các ngân hàng niêm yết (17,7%).
Các chuyên gia MBS dự báo tăng trưởng tín dụng của CTG chủ yếu đến từ nhóm khách hàng cá nhân (KHCN). Dư nợ cho vay của nhóm này dự kiến tăng 21,9% vào cuối năm 2024, chiếm 62,5% tổng tín dụng. Trong khi đó, tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN) có thể tăng 13,5%, với động lực chính từ nhóm doanh nghiệp lớn (CIB) và doanh nghiệp FDI, lần lượt tăng 23,6% và 25,9%. Ngược lại, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể giảm nhẹ 0,5% do nhu cầu vay vốn suy yếu trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm.
MBS nhận định, với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (SOCB) khó có thể vượt xa so với các ngân hàng tư nhân. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17-18%, các ngân hàng quốc doanh cần duy trì mức tăng 15-16% trong năm 2025. Riêng CTG, chiến lược tín dụng giai đoạn tới tập trung vào ngân hàng bán lẻ, với dự báo tăng trưởng tín dụng bán lẻ đạt 20%/năm trong 2025-2026, nhờ vào các lĩnh vực thương mại, sản xuất nông nghiệp và cho vay mua nhà.
Theo phân tích của MBS, danh mục tín dụng của CTG có xu hướng tập trung vào bất động sản khu công nghiệp, năng lượng, logistics, dệt may – những lĩnh vực quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Trong khi đó, nhóm SME có thể chưa thể bứt phá trong năm 2025 do môi trường vĩ mô còn nhiều biến động.
![]() |
>> Số liệu cho thấy VietinBank đang tiến gần đến mốc lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử 
Diễn biến NIM và áp lực lãi suất
MBS dự báo biên lãi ròng (NIM) của CTG đạt 2,9% trong năm 2024, tăng 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ, nhờ chi phí vốn (COF) giảm mạnh 140 điểm cơ bản. Nhìn chung, NIM của nhóm ngân hàng quốc doanh ổn định hơn so với ngân hàng tư nhân, giúp duy trì hiệu suất sinh lời trong bối cảnh vĩ mô thách thức.
Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2025 do tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng, gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Trong khi đó, lãi suất cho vay nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tín dụng. Do đó, NIM của các ngân hàng nói chung sẽ khó cải thiện trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, sang nửa cuối năm và năm 2026, khi nhu cầu tín dụng phục hồi cùng với sự cải thiện của thị trường bất động sản và sản xuất tiêu dùng, NIM có thể tăng nhẹ. Riêng CTG, MBS dự báo NIM sẽ đạt 3,0% vào năm 2025 và 3,1% vào năm 2026.
![]() |
MBS đánh giá CASA tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp CTG kiểm soát tốt COF. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ CASA của ngân hàng dự kiến đạt 23,9% (+1,9% so với cùng kỳ), nằm trong nhóm 5 ngân hàng niêm yết có CASA cao nhất.
Đáng chú ý, tiền gửi từ khách hàng doanh nghiệp chiếm 57,5% tổng CASA của CTG. Với tỷ trọng tiền gửi doanh nghiệp lớn (~50% tổng tiền gửi), CTG có lợi thế duy trì CASA ổn định trong dài hạn, qua đó tiếp tục kiểm soát chi phí vốn và tối ưu hiệu suất lợi nhuận.
>> Một mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 36%