Vĩ mô

4 trường hợp chế áp, tạm giữ máy bay không người lái

Thu Hằng 27/11/2024 - 10:20

Luật Phòng không nhân dân vừa được Quốc hội thông qua quy định rõ 4 trường hợp chế áp, tạm giữ máy bay không người lái, phương tiện bay khác.

Sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân với 449/449 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 93,74% tổng số đại biểu).

Một trong những nội dung đáng chú ý được quy định trong luật là quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không.

Trong đó, điều 33 quy định về đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Cụ thể, việc đình chỉ bay được thực hiện trong các trường hợp bay không đúng nội dung được cấp phép; vì lý do quốc phòng, an ninh và an toàn bay; người điều khiển không đủ điều kiện bay; tàu bay không người lái, phương tiện bay khác chưa đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký.

letantoi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật. Ảnh: Quốc hội

Điều 34 nêu rõ 4 trường hợp chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Thứ nhất, những trường hợp bay khi chưa được cấp phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay khi chưa được phép; không tuân thủ yêu cầu đình chỉ bay.

Thứ hai, trường hợp xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay dân dụng, tàu bay quân sự.

Thứ ba, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ tư là sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác mang theo thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, các chất cấm, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật.

Việc cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quy định tại điều 30. Theo đó, việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng.

Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay. Bộ Công an cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của Bộ Công an và thông báo đến Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.

Trường hợp cấp phép bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay quân sự thì phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng.

Luật cũng quy định trường hợp Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cấp phép bay trong khu vực cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay dân dụng, phải được sự đồng ý của Bộ GTVT.

Bỏ quy định Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu đối với tàu bay không người lái

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đình chỉ bay để tránh tùy nghi, chồng chéo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đình chỉ chuyến bay được thực hiện theo quy định về phân cấp chỉ huy, quản lý trong Bộ Quốc phòng (theo trình tự thẩm quyền đình chỉ từ trên xuống dưới); Bộ Công an và các đơn vị Công an có quyền đình chỉ bay.

Dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác vi phạm. Còn trình tự cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm tính chặt chẽ, không mang tính tùy nghi, không chồng chéo về thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp.

Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (điều 27), có ý kiến đề nghị cân nhắc để có chính sách xuất khẩu thông thoáng cho lĩnh vực này.

Theo ông Tới, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác.

Tuy nhiên, đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vẫn cần thiết phải quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm yêu cầu về bí mật quân sự, bí mật an ninh và do Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an quy định.

Luật gồm 7 chương, 47 điều, có hiệu lực từ 1/7/2025.

>> Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, cách nào xử lý?

Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, cách nào xử lý?

Elon Musk chê máy bay chiến đấu 'hết thời', tương lai quân sự thuộc về máy bay không người lái?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/4-truong-hop-che-ap-tam-giu-may-bay-khong-nguoi-lai-2345790.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    4 trường hợp chế áp, tạm giữ máy bay không người lái
    POWERED BY ONECMS & INTECH