Việc thiếu hụt hàng hóa này sẽ làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế.
Ngày 7/6, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng mất hàng hóa xuất khẩu trong thời gian container hạ bãi chờ chuyển lên tàu.
Theo đó, có 5 doanh nghiệp phản ánh họ bị thiếu một phần khối lượng hồ tiêu xuất khẩu so với số lượng ký hợp đồng thực tế.
VPSA cho biết 5 doanh nghiệp này bao gồm cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, lượng tiêu hao hụt đối với mỗi container từ 1-2 tấn tiêu.
Các nhà nhập khẩu đã phát hiện tình trạng thiếu hụt này mặc dù khối lượng container được cân tại cảng đều thể hiện đủ khối lượng tại thời điểm hạ cảng. Theo điều tra nội bộ, các doanh nghiệp xuất khẩu nghi ngờ hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu.
Hiệp hội cho rằng việc thiếu hụt hàng hóa này không chỉ làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistics và vận tải biển của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải bỏ ra nhiều chi phí để mua bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.
Ảnh minh hoạ |
>> Doanh nghiệp bán ‘đại hạ giá’, gạo Việt lao dốc về mức thấp nhất thế giới 
VPSA đã đề nghị các doanh nghiệp gặp phải tình trạng mất hàng hóa xuất khẩu cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ, ngành xem xét. Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng làm việc với các cảng vụ để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 114.400 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch gần 500 triệu USD, tăng 20,6% so với năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 4.197 USD/tấn và tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 7/6, giá hồ tiêu trong nước tăng lên mức 164.000 đồng/kg, tăng 16.000 đồng/kg so với ngày hôm trước và tăng hơn 60% so với giữa tháng 5. Hồi đầu năm 2024, giá hồ tiêu chỉ ở mức 70.000 đồng/kg.
Việc giá hồ tiêu tăng đột biến giúp các nhà vườn và đại lý trữ tiêu có lợi, nhưng lại gây khó khăn cho các đơn vị thương mại quen với tập quán "mua xa – bán xa", vì họ phải mua hàng với giá cao để giao cho các hợp đồng có giá thấp. Các doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng trong khi giá thành phẩm cuối cùng chỉ có thể tăng nhẹ.
Giá hồ tiêu tăng cao và tình trạng mất hàng hóa xuất khẩu đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành. Các biện pháp an ninh và bảo hiểm hàng hóa cần được tăng cường, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề mất hàng, nhằm duy trì uy tín và lòng tin của đối tác quốc tế đối với ngành hồ tiêu Việt Nam.
>> Đối tác châu Phi 'lật kèo' đòi tăng giá nguyên liệu, doanh nghiệp điều Việt Nam lao đao