5 năm chờ đợi, thương vụ tỷ USD bán 6,5% vốn của Vietcombank liệu có về đích năm 2025?
Ngay từ đầu năm 2025, bên cạnh những thương vụ M&A sôi động, kế hoạch bán 6,5% cổ phần trị giá 1 tỷ USD của Vietcombank tiếp tục là tâm điểm chú ý khi hành trình kéo dài 5 năm vẫn chưa đi đến đích.
Thương vụ tỷ USD kéo dài 5 năm
Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank ) được khởi động từ năm 2019. Sau 5 năm đầy trắc trở, thương vụ này vẫn chưa hoàn tất dù được kỳ vọng sẽ giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, nội dung phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ đã bị rút lại. Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, giải thích rằng quyết định này không đồng nghĩa với việc dừng kế hoạch mà do các phương án chưa hoàn thiện. Ông bày tỏ hy vọng thương vụ sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường thuận lợi.
Biến động thị trường chứng khoán và bối cảnh kinh tế không thuận lợi là những rào cản lớn khiến kế hoạch liên tục bị trì hoãn. Từ năm 2019 đến nay, Vietcombank đã nhiều lần điều chỉnh thời điểm thực hiện, đặc biệt chờ đợi nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại năm 2022 để tạo đà tăng vốn trước khi phát hành cổ phiếu.
Dẫu vậy, ngân hàng đã đạt một số tiến triển. Vào tháng 1/2024, Vietcombank hoàn tất việc lựa chọn tư vấn tài chính và tổ chức các hội thảo với nhà đầu tư quốc tế tại Singapore, Anh, và Hong Kong.
Theo Chứng khoán ACB, Vietcombank dự kiến chào bán 6,5% cổ phần, tương đương khoảng 307,6 triệu cổ phiếu, trong đó 46,1 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông chiến lược Mizuho (Nhật Bản) và 261,4 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư khác. Với giá phát hành dự kiến 96.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu, thương vụ này có thể mang lại nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD, giúp Vietcombank củng cố vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong tiến độ triển khai đã trở thành mối quan tâm của cổ đông, đặc biệt khi so sánh với các thương vụ thành công khác.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank phát biểu tại Hội nghị |
M&A ngân hàng và động lực thị trường
Trong khi kế hoạch của Vietcombank vẫn dang dở, thị trường tài chính năm 2025 sôi động với nhiều thương vụ M&A lớn. SeABank đã chuyển nhượng Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial với giá trị 4.300 tỷ đồng, trong khi Krungsri đề nghị mua 50% vốn còn lại của SHBFinance.
BIDV mới đây cũng đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 123,8 triệu cổ phiếu, tương đương 1,8% cổ phần, với giá 38.800 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 4.800 tỷ đồng. Các nhà đầu tư lớn như Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và SCIC đều đăng ký tham gia.
Dù vậy, thương vụ bán vốn của Vietcombank vẫn được đánh giá là "cú hích lớn" nếu thành công, không chỉ khẳng định năng lực ngân hàng mà còn tạo động lực cho thị trường M&A ngân hàng nói chung.
>> Cập nhật tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại mới nhất tại 3 ngân hàng 'Big4'