5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?

02-04-2024 11:12|Khởi Phong

Ngoài ACB, tên tuổi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) còn được gắn với một ngân hàng nhỏ có trụ sở ở Sóc Trăng từ những ngày đầu thành lập.

Gia đình bầu Kiên đã rút khỏi Vietbank được 5 năm

Ngoài ngân hàng TMCP Á Châu ACB, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) còn duyên nợ lớn với một nhà băng khác tại tỉnh Sóc Trăng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên là cổ đông sáng lập và từng sở hữu cổ phần lớn của nhà băng này.

Sau khi ông Kiên vướng vòng lao lý vào năm 2014, bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông vẫn là một trong những thành viên HĐQT của Vietbank.

Tính tới đầu năm 2018, nhóm bầu Kiên nắm sở hữu khoảng 48,56 triệu cổ phiếu Vietbank, chiếm tỷ lệ sở hữu gần 14,95% vốn điều lệ. Trong đó, bà Lan nắm nhiều nhất với 14,97 triệu cp (4,608%), ông Kiên nắm 6,6 triệu cp (2,035%). Ngoài ra, cổ phần nằm trong tay những người thân trong gia đình ông Kiên nắm giữ.

Trong năm 2018, ông Kiên và gia đình liên tục đăng ký chuyển nhượng cổ phần Vietbank. Kết quả, ba người thân của ông Kiên thoái thành công toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Vietbank bao gồm bà Nguyễn Thúy Lan (em gái), ông Đào Văn Kiên (em rể) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 2,05%; 1,93% và 2,03%.

Bản thân ông Nguyễn Đức Kiên chính thức không còn là cổ đông của VietBank kể từ ngày 6/1/2019.

Sau đó, vào ngày 18/1/2019, ĐHCĐ bất thường VietBank đã chính thức thông qua đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT của bà Đặng Ngọc Lan.

Phải sau khi rời khỏi HĐQT, bà Đặng Ngọc Lan và song thân mới hoàn tất thoái vốn tại Vietbank, đặt dấu chấm hết cho “cơ ngơi” của "ông bầu tóc bạc" tại nhà băng có trụ sở ở tỉnh Sóc Trăng này.

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2019, ông Dương Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietbank khi đó phát biểu rằng qua 10 năm hoạt động, VietBank đã có các cổ đông gắn bó, tâm huyết trong đó không thể không kể đến gia đình cổ đông ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan từ ngày đầu thành lập đến nay, đã hỗ trợ rất nhiều cho VietBank.

"VietBank rất cảm ơn và tri ân, ghi nhận sự đóng góp đó", ông Dương Ngọc Hòa nói trong Hội nghị.

5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?
Bà Đặng Ngọc Lan. Ảnh: Internet

Gia đình bầu Kiên thoái vốn, thế cục sở hữu của Vietbank ra sao?

Được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, ngoài bầu Kiên, cổ đông sáng lập của VietBank còn liên quan đến tập đoàn Hoa Lâm. Sau khi nhóm cổ đông bầu Kiên chính thức rút lui vào đầu năm 2019, Vietbank còn lại nhóm cổ đông lớn là gia đình ông Dương Ngọc Hòa – bà Trần Thị Lâm, cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng sở hữu tập đoàn đa ngành Hoa Lâm. Ông Dương Ngọc Hòa thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT Vietbank.

Sau sự rời đi của bà Đặng Ngọc Lan, một cái tên khác xuất hiện trong HĐQT Vietbank là bà Quách Tố Dung.

Về mặt sở hữu, bà Dung có liên quan trực tiếp tới 2 pháp nhân sở hữu gần 10% cổ phần của Vietbank. Cụ thể: Công ty TNHH Vũ Quang Dung - doanh nghiệp bà Dung là thành viên HĐQT sở hữu 4,95% vốn điều lệ Vietbank; Công ty TNHH Sỹ Phát - doanh nghiệp bà Dung là Chủ tịch HĐQT sở hữu 4,75% tại Vietbank.

Báo cáo của Vietbank giới thiệu, bà Dung là cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP. HCM, cử nhân Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia TP. HCM.

Trước khi gia nhập Vietbank, bà từng đảm nhiệm một số vị trí quan trọng như: Phó Chủ tịch UBND Quận 11 TP. HCM, Phó Giám đốc thường trực Sở Công Thương TP. HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City.

Báo cáo cũng cho biết, bà Dung có sở hữu 20% vốn điều lệ công ty TNHH Bất động sản Hòa Phát và là người đại diện 10% vốn góp tại công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?
Ảnh minh họa

Ngày 26/4/2021, HĐQT Vietbank đã thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2025.

Ông Dương Nhất Nguyên, sinh năm 1983 là con trai của ông Dương Ngọc Hòa – nguyên Chủ tịch Vietbank và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm.

Ông Dương Nhất Nguyên tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, Trường Đại học DeVry, Hoa Kỳ. Trước khi về Vietbank, ông từng giữ các vị trí điều hành, quản lý và điều hành nhiều dự án lớn của tập đoàn Hoa Lâm.

Ông Nguyên tham gia Ban Điều hành Vietbank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng Giám đốc. Từ năm 2013 đến khi trở thành Chủ tịch của ngân hàng ở tuổi 38, ông đã trải qua các vị trí quản trị, điều hành tại Vietbank như: Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Vietbank nhiệm kỳ 2016-2020.

5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?
Ông Dương Nhất Nguyên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank phát biểu tại Lễ tổng kết hoạt động năm 2019 của ngân hàng (ảnh: Vneconomy)

Cập nhật đến 31/12/2023, vốn điều lệ của Vietbank ở mức 4.776,8 tỷ đồng, là ngân hàng có quy mô nhỏ trong hệ thống Ngân hàng TMCP ở Việt Nam. Trong đó, gia đình nguyên Chủ tịch Dương Ngọc Hòa (Dương Nhất Nguyên) sở hữu 11,73% cổ phần VBB, doanh nghiệp liên quan bà Quách Tố Dung (công ty TNHH Vũ Quang Dung và công ty TNHH Sỹ Phát) sở hữu tổng 9,71% cổ phần VBB.

Trong tháng 3, cả ông Dương Nhất Nguyên, công ty Vũ Quang Dung và công ty Sỹ Phát đều đăng ký thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Đây là đợt chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Vietbank để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%. Đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.

Theo công bố thông tin gần đây, 2 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Sỹ Phát và công ty Vũ Quang Dung đã thực hiện quyền mua hơn 4,7 và hơn 4,9 triệu cp; ông Dương Nhất Nguyên đã thực hiện quyền mua hơn 4,8 triệu cổ phiếu.

>> ACB thu về gần 1.600 tỷ đồng từ bancassurance trong cơn địa chấn khủng hoảng niềm tin chưa từng có của ngành bảo hiểm

Doanh nhân Trầm Bê sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng giờ ra sao?

Bà Trần Thị Lâm thôi chức Phó Tổng Giám đốc VietBank

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/5-nam-sau-khi-bau-kien-cung-vo-roi-di-trong-loi-cam-on-va-tri-an-the-cuc-so-huu-tai-vietbank-xoay-van-ra-sao-228820.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    5 năm sau khi bầu Kiên cùng vợ rời đi trong lời “cảm ơn và tri ân”, thế cục sở hữu tại Vietbank xoay vần ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH